Ngày 22-11, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mặc dù vẫn giữ công cụ để kiểm soát về giá nhưng tiến thêm một bước hướng tới lộ trình thị trường hóa hoàn toàn đối với giá bán xăng dầu trong nước trong tương lai.
Dự thảo Nghị định dự kiến chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diesel tiêu dùng phổ biến trên thị trường (mặt hàng xăng RON95-III, dầu diesel 0,05S) thay vì công bố giá của 5 mặt hàng như hiện nay (RON95-III, dầu diesel 0,05S, E5RON92, dầu mazut, dầu hỏa).
Mặt hàng xăng RON95-III, dầu diesel DO 0,05S-II có tỉ trọng tiêu thụ lớn, là mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường, ảnh hưởng tới đa số người tiêu dùng nên Nhà nước cần tiếp tục công bố giá thế giới, các yếu tố đầu vào để doanh nghiệp thực hiện tính toán và công bố theo công thức.
Mặt hàng xăng E5RON92 và các mặt hàng xăng, dầu còn lại có tỉ trọng tiêu thụ không lớn nên có thể để doanh nghiệp chủ động công bố giá xăng dầu thế giới tại kỳ điều chỉnh giá và quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường (hiện nay trên thị trường các mặt hàng như xăng RON95-V, xăng RON97, dầu diesel DO 0,001S-V đã và đang do thương nhân đầu mối chủ động công bố giá).
Các thương nhân công bố giá xăng dầu phải thực hiện kê khai giá theo quy định, trường hợp tăng giá bất hợp lý sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Theo Bộ Công Thương, đây là nội dung mới của dự thảo Nghị định, là bước thí điểm, thăm dò thị trường để từng bước áp dụng giá xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Về quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ý kiến của một số Bộ, ngành, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và đại diện một số doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu xem xét bỏ quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Qua thực tế triển khai thời gian qua, với việc điều hành giá 7 ngày/lần, Bộ Công Thương đánh giá giá xăng dầu trong nước cơ bản đã được điều chỉnh bám sát với giá xăng dầu thế giới, gần như không phải sử dụng đến Quỹ bình ổn giá theo quy định.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định về trường hợp thực hiện bình ổn giá xăng dầu tương tự với các mặt hàng khác thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá quy định tại Luật Giá.
Cụ thể, trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu, có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giá.