Ngày 23-11, thông tin từ Đại học (ĐH) Huế cho biết vừa có kết luận nội dung tố cáo đối với tiến sĩ (TS) Lê Thị An Hòa – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (nguyên là nghiên cứu sinh khoá năm 2013 của Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế).
Theo đó, bà Hoà bị tố cáo đạo văn với tổng số 35 trang trong luận án tiến sĩ có mã số 62.22.03.13 với chủ đề “Lịch sử Việt Nam: Quá trình hình thành, phát triển và biến đổi của lễ hội cung đình ở Huế từ năm 1802 đến 1945”, được bảo vệ tại Hội đồng Bảo vệ luận án tiến sĩ của ĐH Huế ngày 23-3-2018. Về lỗi đạo văn, kết luận khẳng định nội dung tố cáo là tố cáo đúng với lỗi đạo văn được xác định là 12 trang.
Nhiều ý kiến thắc mắc vì sao chỉ có 12 trang đạo văn, vậy mấy trang kia là tố cáo vu khống? Vì sao luận án đã nộp lưu chiểu khá lâu nay phát hiện đạo văn thì lại được rút ra chỉnh sửa? Trách nhiệm người hướng dẫn, hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ? Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế ĐH Huế về nội dung kết luận này
+ Phóng viên: Đơn tố cáo đưa ra chứng cứ đầy đủ 35 trang đạo văn nhưng vì sao ĐH Huế chỉ xác định có 12 trang đạo văn, thưa ông?
TS Nguyễn Công Hào: Tôi khẳng định kết luận này rất chặt chẽ, theo quy định, đúng cơ sở khoa học. Kết luận này dựa trên báo cáo của cả Hội đồng Thẩm định tính liêm chính học thuật luận án tiến sĩ của Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế (gọi tắt là hội đồng – PV) chứ không phải ý kiến của một riêng ai. Do liên quan đến chuyên môn hoàn toàn nên hội đồng có mời các giáo sư đầu ngành ở hai đầu đất nước tham gia và làm rất cặn kẽ.
Nội dung kết luận tố cáo
Trong đó nội dung luận án tiến sĩ của bà Lê Thị An Hòa có khá nhiều đoạn, ý sử dụng các ý tưởng, đoạn văn giống với các công trình của các tác giả khác đã công bố mà tác giả không trích dẫn nguồn, theo đó lỗi đạo văn được xác định là 12 trang. Về sai sử liệu, nội dung tố cáo là tố cáo đúng một phần. Về nội dung các bài báo, kết luận nêu “Về bài báo của tác giả, việc thẩm định nội dung khi công bố là trách nhiệm của hội đồng biên tập của tạp chí, cơ sở đào tạo chỉ xác minh nội dung bài viết có hay không liên quan đến nội dung của luận án tiến sĩ”.
Người tố cáo đưa ra chứng cứ tố cáo 35 trang đạo văn, hội đồng đã kiểm tra, đánh giá thì mức độ đạo văn của các trang này khác nhau, có trang đạo văn 3 dòng, trang có 5 dòng; trang này tỉ lệ đạo văn chiếm 5%, trang kia là 7%… Và áp dụng theo cách tính tổng cộng thì mới ra kết luận là 12 trang đạo văn. Vì vậy, chúng tôi khẳng định nội dung tố cáo là tố cáo đúng chứ không phải 23 trang còn lại là không đúng, là vu khống. Trong kết luận không thể liệt kê trang này đạo văn bao nhiêu, trang kia chiếm bao nhiêu tỉ lệ… vì như thế quá dài. Nhưng trong quy trình làm rất chặt chẽ, báo cáo của hội đồng khá chi tiết, đầy đủ.
+ Luận án tiến sĩ của bà Hoà đã được chỉ rõ là có lỗi đạo văn nhưng ĐH Huế chỉ yêu cầu chỉnh sửa, nộp lưu chiểu là xong, điều này có đúng không thưa ông?
TS Nguyễn Công Hào: Không đơn giản như vậy. Trong kết luận nội dung tố cáo thì phần kiến nghị gồm có 2 thẩm quyền. Thẩm quyền thứ nhất là của Giám đốc ĐH Huế. Cụ thể là sau khi hội đồng đề xuất thì thấy rằng những nội dung đạo văn, sai sử liệu thì đề nghị tác giả nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa những nội dung đã được chỉ ra trong kết luận nội dung tố cáo và nộp lưu chiểu theo quy định hiện hành.
Nhưng không dừng ở đó mà còn lại ý thứ 2 là giao Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế chủ trì phối hợp với Ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế theo dõi và xác nhận việc chỉnh sửa luận án của tác giả theo kết luận nội dung tố cáo.
Đạo văn là gì?
Quyết định của Giám đốc ĐH Huế Quy định liêm chính học thuật trong đào tạo trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ tại ĐH Huế ngày 30-11-2023 nêu rõ: Đạo văn là việc sử dụng các ý tưởng, đoạn văn, số liệu hoặc tài sản trí tuệ của người khác nói chung mà không trích dẫn nguồn.
Ý thứ 3 mới quan trọng nhất. Đây là thẩm quyền thứ 2. Đó là kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành lập hội đồng thẩm định nội dung luận án tiến sĩ của bà Lê Thị An Hoà để giải quyết theo thẩm quyền. Chúng tôi đã báo cáo, đề nghị Bộ GD-ĐT rồi. Trên cơ sở hồ sơ của ĐH Huế thì chắc chắn bộ sẽ kiến nghị Bộ trưởng thành lập hội đồng để có bước xử lý tiếp theo.
Hiện nay quy chế đào tạo rất rõ, nếu sau khi phát hiện tính liêm chính mà bị loại ra rồi và đánh giá lại nội dung luận án đó có đảm bảo hay không thì thẩm quyền thuộc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Có kết quả cuối cùng thì ĐH Huế làm các bước tiếp theo. Nếu sau này bộ thẩm định và kết luận nếu loại những phần đó ra rồi nhưng vẫn đảm bảo thì luận án đó vẫn đảm bảo; nhưng không đảm bảo là một chuyện khác. Quy chế nó như thế, nhiều người nói việc xử lý chuyện đạo văn của luận án này khá nhẹ nhàng là không phải. Chúng tôi làm phải đảm bảo đối với người tố cáo, người bị tố cáo, đặc biệt phải đúng quy chế.
+ Từ sự việc này, liệu việc đào tạo, tổ chức bảo vệ các luận án của nghiên cứu sinh tại ĐH Huế có dễ dãi không, thưa ông?
TS Nguyễn Công Hào: ĐH Huế không bao giờ dễ dãi trong chuyện này. ĐH Huế là nơi có quy trình đào tạo rất chặt chẽ, có truyền thống và rất uy tín. Các luận văn từ trước đến giờ làm rất chặt chẽ theo quy trình. Sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ xong luận án thì ĐH Huế phải báo cáo Bộ GD-ĐT để bộ thẩm định, trong đó có loại thẩm định quy trình đào tạo. Và từ trước đến nay chưa có luận án nào của ĐH Huế mà bộ thẩm định không đạt, điều này để nói lênchất lượng đào tạo của chúng tôi. Đối với việc đạo văn của luận án tiến sĩ bà Lê Thị An Hoà thì chỉ là việc rất hy hữu.
Xin cám ơn ông!