Ngày 18-11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội.
Phá tan những rào cản
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm triển khai đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, ngành GD-ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ, chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học. Trường học đã thay đổi từ hình thức tới chất lượng giáo dục; giáo viên chủ động, sáng tạo hơn, học sinh tự tin hơn; các hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản…
Giáo dục ĐH tiếp tục được đổi mới. Việc tăng cường tự chủ và hội nhập quốc tế đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Cả nước hiện có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp ĐH, 24 triệu người đang đi học ở các bậc, trình độ, loại hình khác nhau tại hơn 52.000 cơ sở giáo dục. Đến nay đã có 4 ĐH có mặt trong tốp 1.000 của bảng xếp hạng quốc tế uy tín QS, một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 của châu Á.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra giáo dục nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất là từ bên trong – thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự “lột xác” để phát triển. Theo Bộ trưởng, đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành giáo dục cần sự “hoán cốt” để hướng tới chất lượng cao hơn và phát triển con người toàn diện. Đồng thời, thay đổi cho được những thói quen, lối tư duy, cách nghĩ, cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để bứt phá.
“Mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm hơn nữa để “quốc sách hàng đầu” thực sự là hàng đầu trong các quốc sách; để đột phá chiến lược thực sự là phá tan đi những rào cản; để nền giáo dục không còn là nền giáo dục bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo…” – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ.
Còn nhiều hạn chế kéo dài
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn khẳng định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác.
Theo Tổng Bí thư, trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới GD-ĐT được Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được hoàn thiện theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập; quy mô, mạng lưới cơ sở GD-ĐT phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của người dân…
Có được những thành tích, kết quả này, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, còn là sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt mọi khó khăn của toàn ngành giáo dục.
Bên cạnh kết quả, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác đổi mới GD-ĐT tuy đã được triển khai hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng. Trong đó, nguồn nhân lực vẫn là một trong những điểm nghẽn lớn.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ một số hạn chế kéo dài như đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, còn lúng túng; chất lượng giáo dục ở các cấp học còn hạn chế; giáo dục ĐH vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành.
Bên cạnh đó, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất – kinh doanh và nhu cầu thị trường, gây lãng phí lớn. Phương pháp giáo dục chưa phát huy được sự tích cực, sáng tạo của người học, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng và phẩm chất cho người học. Còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về năng lực chuyên môn, chưa tích cực đổi mới… Đặc biệt, đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và phát triển, trong khi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.
Những vấn đề cần làm ngay
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức; yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao… đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài.
Theo Tổng Bí thư, để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định là đột phá chiến lược và đổi mới GD-ĐT là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội Đảng XIV.
Trong bối cảnh này, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 vấn đề.
Thứ nhất, tập trung thực hiện cho bằng được mục tiêu “hoàn thành sự nghiệp đổi mới GD-ĐT, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”. Trong đó, có 4 nội dung cụ thể, bao gồm: hoàn thành sự nghiệp đổi mới GD-ĐT từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng; tập trung xây dựng con người XHCN, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; bám sát quan điểm, mục tiêu phát triển đất nước để xác định nhu cầu, nội dung đào tạo, trên cơ sở đặt hàng của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động; phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế.
Thứ hai, cần có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”, nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, KCN, khu đông dân cư, miền núi. Kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước và có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển GD-ĐT.
Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thu hút được người giỏi và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Non sông Việt Nam có thể trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Chúng ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công tâm nguyện của Người khi và chỉ khi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đổi mới GD-ĐT. Trách nhiệm vinh quang đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự bứt phá mạnh mẽ, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta” – Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý.
TP HCM: Tri ân các nhà giáo tiêu biểu
Ngày 18-11, đoàn lãnh đạo TP HCM do ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, làm trưởng đoàn đã đến thăm các nhà giáo và gia đình nhà giáo tiêu biểu.
Đoàn đã đến thăm gia đình cố GS-TS- Anh hùng lao động Nguyễn Thiện Thành – nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa Trường ĐH Y Dược TP HCM, là thân phụ của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Thay mặt lãnh đạo TP HCM, ông Nguyễn Hồ Hải bày tỏ sự biết ơn đối với những đóng góp của cố GS-TS Nguyễn Thiện Thành cho sự nghiệp giáo dục, y tế và khoa học của TP HCM nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, gửi lời thăm hỏi và cảm ơn GS-TS Nguyễn Thiện Nhân vì những đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà trong những năm qua.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao mô hình trường học hạnh phúc và cho rằng TP HCM đã đi đúng hướng bởi bên cạnh việc học, chất lượng tinh thần của học sinh cần được quan tâm nhiều hơn. Thay mặt gia đình, ông Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của lãnh đạo TP HCM và cho biết sẽ phát huy truyền thống gia đình, xứng đáng với danh hiệu nhà giáo, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển xã hội và đất nước.
Sáng cùng ngày, Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, vinh danh Nhà giáo Ưu tú và trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024. Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo dục. Trong đó, việc ghi nhận và biểu dương những đóng góp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục càng cần thiết, tạo động lực để thầy cô tiếp tục đóng góp vào việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và đất nước.
Dịp này, đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM do ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM – làm trưởng đoàn cũng đến thăm, chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu, gồm: Nhà giáo Ưu tú, PGS-TS Dương Ái Phương – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM; Nhà giáo Ưu tú, PGS-TS Lê Bảo Lâm – nguyên Bí thư Đảng ủy Khối ĐH, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM.
Đ.Trinh – H.Xuân
Ngọn lửa yêu nghề cháy mãi
Đại diện cho gần 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước, GS-TS Đặng Hoàng Minh, giảng viên Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, bày tỏ niềm tự hào khi được đứng trong hàng ngũ nhà giáo Việt Nam. Là nữ giáo sư trẻ nhất đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2023 và đồng tác giả công trình khoa học công bố trên Tạp chí Nature uy tín hàng đầu thế giới, GS-TS Đặng Hoàng Minh cho hay bản thân ý thức sâu sắc rằng mình đang kế thừa truyền thống của nhiều thế hệ nhà giáo ưu tú. Đó là ngọn lửa cháy mãi về sự tận tụy, lòng đam mê giảng dạy và nghiên cứu khoa học, là khát khao đổi mới, sáng tạo và đóng góp cho sự phát triển không ngừng của quê hương, đất nước.
Nữ GS kỳ vọng Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện, tin tưởng vào đội ngũ nhà giáo, ban hành nhiều chính sách phù hợp trong sử dụng, tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo – đặc biệt là các nhà giáo, nhà khoa học trẻ, xuất sắc cũng như các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, vất vả.