• Trang chủ
  • Giáo dục
  • Tìm cách thu hút, giữ chân giáo viên (*): Bung chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non

Tìm cách thu hút, giữ chân giáo viên (*): Bung chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non

Trước đó, tại kỳ họp thứ 24/2021 của HĐND TP HCM đã thống nhất tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ đối với giáo viên mầm non (GVMN) mới ra trường được tuyển dụng về công tác tại các trường mầm non công lập từ năm học 2020-2021 đến hết năm học 2024-2025, sau 5 năm thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 01/2014 của HĐND thành phố về hỗ trợ giáo dục MN.

Thấu hiểu nỗi vất vả, nặng nhọc

Tại kỳ họp 24/2021 của HĐND TP HCM, trước khi thống nhất tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ đối với GVMN mới ra trường đến hết năm học 2024-2025, đánh giá tác động của Nghị quyết 01/2014, lãnh đạo UBND TP HCM cho biết đã tạo điều kiện thuận lợi và tác động mạnh mẽ đến các ngành, các cấp phối hợp chăm lo giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ MN. Sau đó, HĐND thành phố tiếp tục đồng ý cho thực hiện chế độ hỗ trợ thêm 3 năm đối với GVMN mới ra trường được tuyển dụng, bắt đầu từ năm học 2017-2018 đến năm học 2019-2020 tại Nghị quyết 113/2016. Từ đó, đã giúp GVMN mới ra trường yên tâm công tác, trụ vững với nghề.

TP HCM thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác

TP HCM thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác

Thời điểm năm 2021, nếu không được hỗ trợ, lương của GVMN mới ra trường chỉ gần 3 triệu đồng/tháng – thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng nhưng GVMN có công việc đặc thù nặng nhọc, số lượng trẻ/lớp rất đông. Suốt từ sáng đến chiều tối với việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, GVMN không có điều kiện để cải thiện thu nhập. Từ đó, GVMN ra trường dễ nản, khó trụ vững với nghề, dễ chuyển ngành.

Theo Nghị quyết 01/2014, chính sách hỗ trợ GVMN mới ra trường về công tác tại các trường MN, năm đầu tuyển dụng, GV được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ 2 sau khi tuyển dụng, được hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ 3 sau khi tuyển dụng, được hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng. Từ năm thứ 4, thực hiện chế độ tiền lương cho GV theo quy định hiện hành.

Tuyển dụng khởi sắc

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng GDMN – Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết nếu không có chính sách hỗ trợ GVMN mới ra trường, có thể khẳng định các trường MN công lập trên địa bàn thành phố không thể nào tuyển đủ GV. Đặc thù công việc vất vả, cả ngày ở trường chăm sóc, giáo dục trẻ, GVMN có thể nói là rất cực.

Điều này được chứng minh từ thực tế, năm học 2014-2015, số GVMN mới được tuyển dụng là 443 người, so với hàng ngàn GVMN còn thiếu. Đến năm 2019-2020, do được hưởng chế độ hỗ trợ, số GVMN mới tuyển dụng được là 1.205 người. Như vậy, số GVMN mới ra trường thu hút được thời gian qua đã tăng gấp 3 lần. “Hết năm học 2024-2025, khi chính sách hỗ trợ GVMN mới ra trường hết hiệu lực, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ tiếp tục lấy ý kiến từ các quận, huyện, TP Thủ Đức để đánh giá tác động của chính sách, làm cơ sở để đề xuất thành phố tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ GVMN” – bà Điệp nói.

Nhớ lại giai đoạn đầu khi chưa có Nghị quyết 01 về hỗ trợ GVMN mới ra trường, bà Trần Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường MN Trường Thạnh (TP Thủ Đức), cho biết năm học nào cũng thấp thỏm chuyện tuyển GV. Theo bà, để không bị động trước mỗi năm học, sau khi tính toán, cân đối nguồn GV hiện tại, nhà trường đều phải tính đến phương án dự phòng là ký hợp đồng với GV bên ngoài.

Khi có cơ chế tuyển dụng và chính sách hỗ trợ, những thầy cô này sẽ là nguồn để thi tuyển luôn. Đây là phương án mỗi năm trong điều kiện trường thường xuyên không tuyển đủ GV. Theo bà Hoài, từ chuyện phập phù lo tuyển dụng hằng năm, nhà trường đã yên tâm khi có chính sách hỗ trợ GVMN mới ra trường của thành phố.

“GVMN rất vất vả, hằng ngày phải có mặt ở trường từ lúc 6 giờ sáng đến hơn 5 giờ chiều mới được về nhà. Trưa vẫn phải ở lại canh giấc ngủ cho các con. Cũng cùng tốt nghiệp, có bằng đại học nhưng hệ số lương GVMN lại thấp nhất. Muôn vàn vất vả, thiệt thòi nên nếu không yêu nghề, không có chế độ hỗ trợ thì rất khó có ai chịu bám trụ với nghề” – bà Hoài bộc bạch.

Bức tranh mới

Bên cạnh những chế độ, chính sách chung cho GVMN cả nước, GVMN tại TP HCM, gồm cả trường ngoài công lập, được hưởng thêm những chính sách đặc thù của thành phố.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, thực hiện Nghị quyết số 27/2021 của HĐND TP HCM về chính sách phát triển giáo dục MN ở địa bàn có khu công nghiệp (KCN) tại TP HCM, qua gần 3 năm học, các cơ sở giáo dục MN độc lập ở địa bàn có KCN được hỗ trợ 1,04 tỉ đồng. Tổng số trẻ MN là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN được hỗ trợ hơn 12,6 tỉ đồng. Còn GVMN làm việc tại các cơ sở giáo dục MN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN được hỗ trợ hơn 2,6 tỉ đồng.

Trong khi đó, với Nghị quyết số 01/2014 của HĐND thành phố về hỗ trợ giáo dục MN và Nghị quyết số 01/2021, đến nay TP HCM có 33 trường MN được xây dựng mới, tổng kinh phí hơn 1.400 tỉ đồng; có 577 trường MN được sửa chữa, tổng kinh phí hơn 353 tỉ đồng.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, ngoài tiếp tục hỗ trợ GVMN mới ra trường, hàng trăm tỉ đồng đã hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, GV, nhân viên trong cơ sở giáo dục MN công lập, như hỗ trợ cán bộ quản lý, GV, nhân viên do tính chất công việc (25%-35% tiền lương/tháng) với tổng kinh phí hơn 374 tỉ đồng. “Nhờ có chính sách hỗ trợ nên đội ngũ GV mới ra trường yên tâm công tác; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, GV và nhân viên thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng, GV tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều phương pháp tiên tiến vận dụng vào thực hiện chương trình giáo dục MN, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng nâng cao. Đến nay, GV tại các cơ sở giáo dục MN công lập cơ bản bảo đảm đáp ứng theo quy định 2 GV/lớp” – bà Lương Thị Hồng Điệp đánh giá.

Thông tin thêm về các chính sách thu hút GVMN trên địa bàn, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho hay thành phố có những chính sách thu hút GVMN như GV diện hợp đồng được hưởng mức lương 3.750.000 đồng/người/tháng x 9 tháng/năm; hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng với mức hỗ trợ tối thiểu là 2 triệu đồng/người/tháng x 9 tháng/năm. Trong đó, ngân sách thành phố chi 1 triệu đồng/người/tháng, còn lại chi từ nguồn xã hội hóa.

Chính sách thu hút GVMN của TP HCM cũng quy định mức hỗ trợ GVMN do tính chất công việc là 650.000 đồng/người/tháng x 9 tháng/năm. Và mức hỗ trợ khuyến khích đối với GVMN theo trình độ chuyên môn, cụ thể, nếu trình độ thạc sĩ là 1.500.000 đồng/người/tháng x 12 tháng/năm; trình độ đại học là 900.000 đồng/người/tháng x 12 tháng/năm; trình độ cao đẳng là 550.000 đồng/người/tháng x 12 tháng/năm. Chính sách này cũng cho phép tuyển dụng GVMN không có hộ khẩu trên địa bàn TP HCM. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-11

Kỳ tới: Lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất

Hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ GV hợp đồng

Theo Nghị quyết số 04/2021 của TP HCM, GV hợp đồng (dưới 12 tháng) cũng được hỗ trợ với mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu vùng 1 do Chính phủ công bố, thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm. Còn hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng được hỗ trợ bằng 50% mức lương tối thiểu vùng 1 do Chính phủ công bố (chi từ ngân sách thành phố), còn lại chi từ nguồn xã hội hóa (tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị), thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm.

Thống kê của Sở GD-ĐT cho biết từ năm học 2021-2022 đến nay, theo chính sách trên, tại TP HCM có tổng số GV hợp đồng là 28.408 GV; tổng số nhân viên nuôi dưỡng hợp đồng là 8.525 người. Số GVMN được hỗ trợ do tính chất công việc là 20.889 người với tổng kinh phí hơn 93 tỉ đồng; hỗ trợ khuyến khích đối với 20.087 GVMN theo trình độ chuyên môn với tổng kinh phí trên 148 tỉ đồng.