Theo chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030, TP HCM dự kiến phát triển khoảng 69.700 – 93.000 căn nhà ở xã hội; trong đó giai đoạn 2021-2025, TP HCM dự kiến phát triển 26.200 đến 35.000 căn.
Về kết quả thực hiện, lũy kế từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến tháng 9-2024, thành phố đã hoàn thành 6 dự án (5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân) với quy mô 2.745 căn hộ và đang thi công 4 dự án với gần 3.000 căn hộ. Kết quả phát triển nhà ở xã hội còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân.
Thời gian qua, phát triển nhà ở xã hội là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua, với nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành.
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024), Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Tháng 5 vừa qua, Trung ương đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Nhiều vướng mắc về thể chế để phát triển nhà ở xã hội đã được tháo gỡ trong Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, Nghị định 100/2024/NĐ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP…
Tọa đàm “Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới” với sự tham gia của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, chuyên gia… sẽ cùng mổ xẻ nguyên nhân, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội; đồng thời chia sẻ những chính sách mới, đề xuất các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi phát triển các dự án nhà ở xã hội, tăng nguồn cung và đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Những chính sách mới được xem là đòn bẩy để tạo bứt phá trong phát triển nhà ở xã hội.