Khao khát có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Chiều 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (gọi tắt là Dự án).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án có chiều dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh, thành; là tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, với 23 ga khách, 5 ga hàng hóa.

Bàn làm chứ không bàn lùi

Dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD, suất đầu tư là 43,7 triệu USD/km. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỉ USD. Chính phủ dự kiến khởi công vào năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Thảo luận tại hội trường, đồng tình cao với việc triển khai Dự án, đại biểu (ĐB) Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nhấn mạnh “thực hiện được dự án này là thực hiện niềm mong ước của nhân dân cả nước”. Còn ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng tán thành cao với chủ trương đầu tư Dự án với tinh thần “bàn làm chứ không bàn lùi”, đồng thời nhấn mạnh đây cũng là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.

Là chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết ông đã có cơ hội trải nghiệm đi đường sắt tốc độ cao từ Zurich (Thụy Sĩ) về Paris (Pháp) với một khoảng cách xa nhưng đi rất nhanh với chi phí chỉ 30 euro, tương đối thấp so với đi bằng máy bay. “Tôi rất khao khát đất nước mình có một tuyến đường sắt tốc độ cao” – ông Ngân nói.

Theo các ĐB, chúng ta đã bàn về vấn đề này cách đây gần 15 năm nhưng lúc đó Việt Nam chưa đủ điều kiện khi kinh tế vĩ mô còn bất ổn và nợ công còn cao. Còn hiện nay, nợ công đang ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, GDP bình quân đầu người vượt qua mức trung bình thấp.

“Đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại rất nhiều lợi ích lan tỏa bởi khi đi vào hoạt động sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài cũng như khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung” – ông Ngân khẳng định.

Dù vậy, ông Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý Dự án có tổng vốn đầu tư rất lớn. Do đó cần tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay vốn ưu đãi ở nước ngoài và hạn chế sử dụng vốn ODA. Cùng với đó, tận dụng nguồn thu từ đấu giá đất tại các trạm, từ TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) của dự án để thu về ngân sách.

Với chi phí xây lắp chiếm khoảng 50% vốn – tức khoảng 33 tỉ USD, ông Ngân đề nghị cần tập trung sử dụng nguyên vật liệu ở trong nước và huy động các DN trong nước có năng lực chuyên môn tham gia vào dự án này. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cho hệ thống đường sắt.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) khẳng định đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại rất nhiều lợi ích lan tỏa khi đi vào hoạt động. Ảnh: LÂM HIỂN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) khẳng định đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại rất nhiều lợi ích lan tỏa khi đi vào hoạt động. Ảnh: LÂM HIỂN

ĐB Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) tha thiết đề nghị kéo dài Dự án với điểm đầu từ tỉnh Lạng Sơn, điểm cuối là tỉnh Cà Mau hoặc TP Cần Thơ, để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các vùng miền.

Phát biểu thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc đầu tư Dự án theo đề xuất của Chính phủ, bởi đây là bước đi tất yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế.

Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và bền vững, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị QH cần xác định rõ các đoạn tuyến ưu tiên đầu tư dựa trên mật độ dân cư, nhu cầu vận tải và tiềm năng phát triển kinh tế, như làm trước các đoạn: Hà Nội – Vinh; TP HCM – Nha Trang; TP HCM – Cần Thơ rồi đến các đoạn tuyến khác.

“Mục tiêu của chúng ta là hướng đến một mạng lưới đường sắt tốc độ cao kết nối cả nước, từ Bắc vào Nam, song song với việc phát triển các tuyến kết nối liên vùng” – ĐB Nguyễn Thị Lệ nói.

Phải làm chủ công nghệ

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình QH thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Dự án.

Là chuyên gia kinh tế, ông Hoàng Văn Cường phân tích tỉ lệ nợ công của chúng ta hiện khá thấp với 37% GDP (thấp hơn nhiều so với mức trần 60% QH đề ra – PV), là dư địa tốt để huy động khoảng 67 tỉ USD làm dự án. Và trong vòng 10 năm triển khai, nợ công cũng chỉ tăng lên khoảng 45% GDP, thấp hơn trần nợ công.

Mặc dù rất cần thiết và đủ khả năng để đầu tư nhưng ông Cường nhấn mạnh đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất.

Ông Hoàng Văn Cường đề xuất dự án này phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa (không phải chỉ vận tải hàng hóa trong trường hợp cần thiết). Bởi theo ông, nếu chỉ chở khách sẽ không đủ bù đắp chi phí vận doanh, có nguy cơ phải bù lỗ rất lớn. Việc vận chuyển hàng hóa cũng để kết nối liên vận với mạng lưới quốc tế cùng khu vực để giải quyết “nút thắt” về logistics.

Dẫn bài học kinh nghiệm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; Nhổn – Ga Hà Nội (Hà Nội), ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị việc đầu tư dự án phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để Việt Nam làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, nếu không sẽ có rủi ro về thời gian hoàn thành, vốn có thể đội lên và điều quan trọng nhất là sẽ lệ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài.

ĐB Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của QH, hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư Dự án. Tuy nhiên, về lựa chọn công nghệ, ông đề nghị Chính phủ cần có định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải bảo đảm tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Về vị trí các nhà ga, theo hồ sơ dự án, ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị hiện nay (ga Ngọc Hồi, ga Thủ Thiêm, ga Nam Định…). Trong khi đó, để bảo đảm tối đa hiệu quả Dự án thì các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất.

Do đó, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga của dự án và đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính hấp dẫn, thuận tiện của ga trong vận chuyển hành khách, có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của một số địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua.

Để bảo đảm tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035, cần phải huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án. Đánh giá đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ. Vì vậy, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lượng cao nhất.

“Đồng thời, tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo” – ĐB Nguyễn Ngọc Sơn nói. 

Chỉ vay tối đa 30%

Báo cáo làm rõ một số nội dung sau khi QH thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết dự kiến chỉ vay tối đa 30%, hiện chưa quyết định vay vốn trong nước hay vay ODA. Nếu vay ODA mà lãi suất thấp và không ràng buộc thì vay rất tốt, còn nếu có ràng buộc thì sẽ ưu tiên vay trong nước.

Về đề nghị đầu tư Dự án từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau, chí ít cũng phải đến TP Cần Thơ, Bộ trưởng cho biết đoạn tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và TP HCM – Cần Thơ có 2 dự án riêng đang triển khai quyết liệt. Trong đó, dự án Hà Nội – Lạng Sơn dự kiến vay vốn Trung Quốc để làm và đang nghiên cứu quy hoạch. Dự án TP HCM – Cần Thơ đã nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, tốc độ thiết kế chở khách với 160-200 km/giờ, chở hàng hóa 120 km/giờ. Hiện đang thu xếp nguồn vốn. Cả 2 tuyến này nhu cầu hàng hóa rất cao nên vừa kết hợp chở hàng hóa và con người.

Thống nhất cao với điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành

Chiều 20-11, QH thảo luận tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết 94 năm 2015 của QH. Tại phiên thảo luận, ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các nhà thầu và người lao động đã tích cực thi công ngày đêm trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ông cũng đồng ý bổ sung đầu tư tuyến đường cất, hạ cánh số 3 hướng Bắc vào giai đoạn 1 và kéo dài thời gian hoàn thành giai đoạn 1 đến cuối năm 2026; cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn 1.

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đánh giá đây là dự án trọng điểm quốc gia, mang tầm chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội, đồng thời củng cố quốc phòng và an ninh. “Qua nghiên cứu, tôi thống nhất cao với Chính phủ đề xuất QH các giải pháp để bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả và sớm đưa vào hoạt động” – ông Nguyễn Tâm Hùng nói.