Người thầy dạy nghề nâng bước tài năng trẻ

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay có 10 thầy cô đoạt giải, gồm 1 nhà giáo và 9 cán bộ quản lý từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở TP HCM.

Dạy nghề khó nhưng “ló” nhiều niềm vui!

Hay tin mình là nhà giáo duy nhất đoạt giải, cô Đặng Thanh Tâm vỡ òa hạnh phúc. Cô ôm chặt bằng khen do UBND TP HCM trao tặng.

Trở thành giảng viên Khoa Kinh tế – Trường CĐ Giao thông vận tải từ năm 24 tuổi, đến nay, cô Tâm đã có hơn 17 năm gắn bó cùng GDNN.

Người thầy dạy nghề nâng bước tài năng trẻ- Ảnh 1.

Sinh viên chăm chú theo dõi bài giảng của cô Đăng Thanh Tâm

Chia sẻ về cơ duyên trở thành giảng viên, cô Tâm kể: “Gia đình nghèo, lại có đông anh em, tôi từ Hà Nội vào TP HCM học tập và lập nghiệp. Khi ấy, ước mơ lớn nhất là trở thành giáo viên THPT nhưng tôi chưa đủ duyên với nghề nên chuyển sang học kế toán và làm việc tại doanh nghiệp”.

Thời điểm đó, kế toán được xem là một trong những nghề thịnh hành nhưng cô Tâm lại không cảm thấy vui. Ban ngày đi làm, tối về cô lại kiên trì tìm xem những thông báo tuyển dụng, ứng tuyển vào những trường học ở địa bàn TP HCM.

“Tại buổi phỏng vấn, tôi tự soạn giáo án và dạy thử trước nhiều người. Tiết dạy rất bản năng vì tôi chưa học qua lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm nào. Hạnh phúc vỡ òa khi tôi nhận được thông báo được chọn thử việc. Một cánh cửa mới đã mở ra và gắn bó với cuộc đời tôi đến ngày hôm nay” – cô Tâm nhớ lại.

Khoe giỏ trái cây vừa được học sinh tặng nhân dịp 20-11, cô Tâm cho hay tiền lương nghề giáo chỉ bằng ½ làm doanh nghiệp nhưng cô rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Người thầy dạy nghề nâng bước tài năng trẻ- Ảnh 2.

Trong những tiết học, cô Tâm thường lồng ghép thêm kiến thức xã hội, kinh nghiệm thực tế để sinh viên hình dung rõ hơn về nghề

“Nhiều lần tôi giận lắm vì sinh viên bị cuốn theo việc làm thêm, lơ là chuyện học. Có trường hợp phải khuyên bảo đến mức cả cô trò đều bật khóc. Tôi cũng từng trải qua thời gian “cày” để có tiền đi học. Thay vì răn đe, trừ điểm chuyên cần, tôi trở thành bạn và hướng dẫn sinh viên sắp xếp thời gian khoa học hơn” – cô Tâm chia sẻ.

Suốt quãng thời gian dạy GDNN, dù khó nhưng “ló” rất nhiều niềm vui, nhất là vào những ngày kỷ niệm nghề hay dịp Tết.

“Tình cảm học trò dành cho tôi là những món quà vô giá, được thể hiện qua những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại hỏi thăm. Dù tốt nghiệp ra trường nhưng học trò vẫn nhớ đến tôi. Đó là hạnh phúc của nghề!” – cô Tâm tự hào.

Nâng bước những tài năng trẻ

Chia sẻ với phóng viên, thầy Lương Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Múa TP HCM (quận 3), cho biết năm nay, nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp cho học sinh vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đây chính là món quà đặc biệt cho tập thể học sinh và giáo viên nhà trường.

Thầy Thành tâm sự trong sự nghiệp biểu diễn, ông từng 2 lần bị chấn thương ở đầu gối và lưng, lần cuối cùng vào năm 2015. Kể từ đó, ông phải dừng việc biểu diễn trên sân khấu.

Không để tinh thần lao dốc, thầy Thành quyết định chuyển mình sang công tác quản lý và giảng dạy. Bằng những kinh nghiệm đã tôi luyện trong quá trình làm nghề, ông mang làn gió mới đến Trường Trung cấp Múa TP HCM.

Người thầy dạy nghề nâng bước tài năng trẻ- Ảnh 3.

Thầy Lương Xuân Thành (bìa phải) là cán bộ quản lý xuất sắc nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần 2 năm 2024

Với thầy Thành, dù không thể biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu nhưng khi  thấy học trò tốt nghiệp và tỏa sáng trên sân khấu, ông luôn mỉm cười thật tươi và xem đó là hạnh phúc vô giá của nghề.

“Múa là loại hình nghệ thuật rất đặc biệt. Chương trình chính quy đào tạo 4-6 năm, thời gian học lâu nhưng tuổi đời gắn bó với nghề thì ngắn, chế độ đãi ngộ trong ngành còn nhiều hạn chế. Vì vậy tôi rất thương và quý những học viên trẻ bám trụ với nghề” – thầy Thành tâm sự.

Nhắc về những đồng nghiệp của mình bằng ánh mắt tự hào, thầy Thành cho biết giáo viên gặp khó khăn về mức lương, đãi ngộ thấp, áp lực giảng dạy cao. Thế nhưng, những khó khăn đó không thể vùi đi lửa nghề. Bằng chứng là cả thầy và trò đều thấm đẫm mồ hôi sau mỗi tiết học, mệt nhưng ai cũng thật vui.

“Mọi người vẫn hay trêu tôi rằng có thế mạnh và tham gia nhiều dự án múa đương đại nhưng lại dạy múa dân gian dân tộc Việt Nam. Với tôi, múa dân gian dân tộc rất phong phú, lột tả về đời sống tinh thần, văn hóa tín ngưỡng, tinh thần dân tộc đặc trưng của mỗi vùng miền. Việc giảng dạy bộ môn này cũng góp một phần trong việc bảo tồn văn hóa nghệ thuật của dân tộc” – thầy Thành bộc bạch.

Người thầy dạy nghề nâng bước tài năng trẻ- Ảnh 4.

Chương trình thi tốt nghiệp của Trường Trung cấp Múa TP HCM được đầu tư công phu. Ảnh: Fanpage nhà trường

Theo thầy Thành, để lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ tiếp nối tài sản vô giá này cần sự phối hợp đồng bộ từ cơ chế chính sách đãi ngộ với người học từ khi vào trường và sau đó là về các nhà hát, các đoàn nghệ thuật. Các cơ chế, chính sách đối với các bộ môn nghệ thuật truyền thống cần được ưu tiên để theo kịp với nhu cầu thực tiễn xã hội.

Đứng trước “làn sóng” của công nghệ, cả thầy và trò đều phải phối hợp, cùng nhau cập nhật những kiến thức và cách thức đào tạo mới. Năm 2024, Trường Trung cấp Múa TP HCM đã cử 2 giáo viên trẻ đến Hong Kong (Trung Quốc) để nâng cao chuyên môn. Thời gian tới, nhà trường sẽ đề cử những học sinh tốt nghiệp xuất sắc dự tuyển tham gia học tập tại một số nơi trên thế giới.