• Trang chủ
  • Giáo dục
  • Đại biểu Quốc hội: Lương giáo viên xếp cao nhất nhưng chất lượng phải tương xứng

Đại biểu Quốc hội: Lương giáo viên xếp cao nhất nhưng chất lượng phải tương xứng

Ngày 20-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) tán thành với quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, như đề xuất tại dự thảo luật.

Theo ông Dương Khắc Mai, quy định nhằm tháo gỡ các khó khăn đối với nhà giáo và tính đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo. Để chính sách thực thi hiệu quả, đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo.

Đại biểu Quốc hội: Lương giáo viên xếp cao nhất nhưng chất lượng phải tương xứng- Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai đồng tình lương nhà giáo được xếp cao nhất, nhưng cần nâng cao chất lượng giáo viên để tương xứng với mức lương. Ảnh: Hồ Long

Bởi theo đại biểu Dương Khắc Mai, chất lượng của đội ngũ giáo viên có ý nghĩa quan trọng, then chốt đối với nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian vừa qua, đại đa số đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực đạo đức, phẩm chất rất tốt, song bên cạnh đó vẫn còn một số giáo viên, kể cả cán bộ cấp quản lý, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra những câu chuyện đáng buồn đến mức phải xử lý.

Vì vậy, đại biểu Mai cho rằng việc thực hiện chính sách đặc thù tiền lương cần phải có các quy định để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức của nhà giáo, tận tâm trách nhiệm.

Cũng liên quan đến chính sách tiền lương, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau. Ông cùng đánh giá các phụ cấp ưu đãi nghề hiện chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó, nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở các vùng khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.

Vì vậy, vị đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề, đặc biệt ở các khu vực khó khăn. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (đoàn Sóc Trăng) nhấn mạnh dự thảo Luật Nhà giáo đã quan tâm đến các vấn đề cốt lõi về quyền lợi, chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt đối với chế độ, chính sách hỗ trợ thu hút nhà giáo quy định tại Điều 28, Điều 29 của dự thảo luật.

Tuy nhiên, để chế độ, chính sách có tính khả thi hơn, đại biểu đề nghị cần làm rõ sự khác biệt giữa chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng. Đồng thời, cần đánh giá tác động nguồn lực đảm bảo thực hiện các chính sách này.