Trước mắt, nguyên mẫu của phương tiện này đang được thử nghiệm tại một cơ sở của Hải quân Mỹ ở Bắc Cực. Tại đây, tàu robot được triển khai ở độ sâu 100 m bên dưới biển Beaufort đóng băng ở phía Bắc Alaska hồi tháng 3 năm nay.
Mỗi tàu robot có dạng hình trụ dài khoảng 2,4 m, đường kính 25 cm, được thả từ các lỗ khoan trên băng hoặc từ các tàu trên biển.
Chúng sẽ trôi theo dòng hải lưu, sử dụng phần mềm hướng dẫn đặc biệt để đến “vùng tiếp đất” nơi thềm nước ngọt đóng băng gặp nước mặn đại dương và đất liền, cố định vị trí và bắt đầu thu thập dữ liệu trực tiếp.
Tàu robot được trang bị các đầu dò có khả năng cung cấp dữ liệu chính xác hơn về tốc độ nước biển ấm lên xung quanh Nam Cực và làm tan chảy băng ven biển của lục địa, từ đó giúp các nhà khoa học cải thiện các mô hình máy tính và đưa ra các dự đoán chính xác hơn.
“Những robot này là nền tảng để mang các thiết bị khoa học đến những địa điểm khó tiếp cận nhất trên trái đất” – kỹ sư Paul Glick thuộc JPL/NASA, nhà nghiên cứu chính của dự án IceNode, nói với Reuters.
Một phân tích của JPL/NASA công bố năm 2022 cho thấy tình trạng mỏng đi và vỡ vụn của thềm băng Nam Cực đã khiến khối lượng của nó giảm khoảng 12.000 tỉ tấn kể từ năm 1997, gấp đôi ước tính trước đó. Theo NASA, nếu Nam Cực mất hoàn toàn thềm băng lục địa, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng thêm tới 60 m.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy lớp ngoài của thềm băng vỡ ra và hình thành các tảng băng trôi với tốc độ nhanh hơn tốc độ tái tạo tự nhiên của thềm băng. Cùng lúc đó, nhiệt độ đại dương tăng cao đang làm xói mòn thềm băng từ bên dưới.