Washington trước đó đã nhiều lần từ chối cho phép Ukraine dùng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất tấn công sâu mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Moscow do lo ngại sẽ làm leo thang chiến sự.
Tuy nhiên, báo chí Mỹ dẫn lời các quan chức nước này cho biết Tổng thống Joe Biden vừa có sự đảo ngược chính sách lớn, vào thời điểm chỉ 2 tháng trước khi ông chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tên lửa tầm xa ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km.
Tác dụng đến đâu?
Theo đài BBC, sở dĩ Mỹ “cởi trói” cho Ukraine vì cho rằng “binh sĩ Triều Tiên đang sát cánh cùng quân Nga nhằm đẩy lực lượng Kiev khỏi vùng Kursk của Nga”. Ukraine bất ngờ tấn công xuyên biên giới và tuyên bố kiểm soát nhiều khu vực tại Kursk vào hồi tháng 8.
Ngoài ra, việc ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng cũng làm dấy lên lo ngại về tương lai hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Do đó, ông Biden dường như muốn làm mọi cách có thể để giúp đỡ Kiev trong thời gian ngắn ngủi còn lại của nhiệm kỳ tổng thống 46 nước Mỹ.
Các nhà chính trị và chuyên gia cho rằng việc “cởi trói” tên lửa ATACMS sẽ giúp Ukraine trong phòng thủ trước các cuộc tấn công của Moscow, nhắm vào các vị trí của Nga – bao gồm căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng và kho đạn dược chủ yếu xung quanh khu vực Kursk.
Quyết định của Mỹ cũng sẽ có tác động lan tỏa tới việc Anh và Pháp cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow tấn công sâu bên trong nước Nga.
“Có lẽ ATACMS không đủ để xoay chuyển cục diện trên chiến trường” – một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên tại Kiev nói với BBC – “Nga thực tế đã chuyển thiết bị quân sự, như máy bay, vào sâu hơn trong lãnh thổ của mình”.
“Quyết định này của Mỹ có thể nâng cao sĩ khí cho binh sĩ Ukraine vốn đang xuống thấp. Nó cũng có thể làm tăng thiệt hại cho Nga” – một chuyên gia nhận định.
Còn bà Evelyn Farkas, từng làm việc tại Lầu Năm Góc, lo ngại Mỹ không có nhiều tên lửa ATACMS để cung cấp cho Ukraine.
Ông Donald Trump có thể phản ứng ra sao?
Trước đó, ông Donald Trump từng nhấn mạnh nếu đắc cử, ông sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, ông không nói rõ cách thức.
Cũng không rõ liệu ông Trump có huỷ bỏ quyết định “cởi trói” ATACMS của ông Biden hay không. Thế nhưng, con trai tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump Jr., đã viết trên mạng xã hội với lo ngại rằng xung đột càng leo thang trước khi ông Trump “kiến tạo hòa bình và cứu mạng người”.
Nhiều quan chức cấp cao của ông Trump, chẳng hạn Phó Tổng thống đắc cử JD Vance, thẳng thắn cho rằng Mỹ không nên cung cấp thêm bất kỳ viện trợ quân sự nào cho Ukraine.
Ngược lại, người được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia – ông Michael Waltz – lập luận Mỹ có thể đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine để buộc Nga phải đàm phán.
Nhiều người ở Ukraine lo ngại ông Trump sẽ cắt đứt việc cung cấp vũ khí, bao gồm cả ATACMS.
“Chúng tôi lo lắng. Chúng tôi hy vọng ông Trump sẽ không đảo ngược quyết định” – nghị sĩ Oleksiy Goncharenko của Ukraine nói với BBC.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến e sợ rằng quyết định trên của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể dẫn tới leo thang xung đột vì đã vượt “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố.