Giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm

Sáng 17-11, tại Nhà Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã chủ trì hội nghị triển khai chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH năm 2024, theo hình thức trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước.

Cải tiến phương thức tổ chức giám sát

Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho biết năm 2024, QH sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; một số dự án quan trọng quốc gia; về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. UBTVQH tiến hành giám sát 2 chuyên đề: Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại phiên họp tháng 8 và tháng 9-2024. “Đến nay, 4 đoàn giám sát đã ban hành kế hoạch và đề cương báo cáo gửi các cơ quan chịu sự giám sát, các địa phương để triển khai các hoạt động theo kế hoạch” – ông Trần Quang Phương cho hay.

Các đại biểu (ĐB) cũng đánh giá việc tổ chức hội nghị có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, góp phần tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa trong hoạt động của cơ quan dân cử từ QH, UBTVQH, các cơ quan của QH và HĐND các cấp. Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, qua hoạt động giám sát đã cung cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những thông tin có giá trị cho công tác chỉ đạo, điều hành để khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Qua các hoạt động giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận định các hoạt động giám sát tối cao của QH có phạm vi rộng, vì vậy để đạt được hiệu quả cao, cần định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đề nghị cần quan tâm bố trí cân đối thời gian hợp lý giữa các đợt giám sát và các địa bàn giám sát, tránh chồng chéo địa bàn và thời gian để các thành viên đoàn giám sát thuận lợi hơn trong bố trí tham gia.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, đề nghị UBTVQH chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các đoàn ĐBQH để chuyển đến các bộ, ngành hữu quan xem xét giải quyết, có ý kiến trả lời cho địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của đoàn ĐBQH tại địa phương, nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của QH, ĐBQH, đoàn ĐBQH nhằm bảo đảm các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.

Giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 1.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, phát biểu tại hội nghị Ảnh: PHẠM THẮNG

Cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân còn mờ nhạt

Phát biểu kết luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá giám sát chuyên đề tiếp tục là điểm sáng, khẳng định 2 chuyên đề của QH và 2 chuyên đề của UBTVQH giám sát được thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả. Thay vì hầu hết nội dung giám sát chuyên đề trước đây theo kiểu “hậu kiểm” thì những năm qua lựa chọn vấn đề đang trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện, như về công tác quy hoạch, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch QH cho biết ban đầu có ý kiến cho rằng mới làm vài năm thì giám sát làm gì nhưng thực tế giám sát đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Ông dẫn câu chuyện quy hoạch, nhờ giám sát, QH ban hành được Nghị quyết 61 gần như tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng, xử lý khoảng trống pháp lý. “Không có giám sát thì không biết giờ công tác quy hoạch thế nào và đến đâu. Chẳng hạn, với 3 chương trình mục tiêu, ngay khi đặt vấn đề giám sát đã có chuyển biến, đến khi tiến hành giám sát tạo chuyển biến lớn, cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai” – Chủ tịch QH dẫn chứng. Dù vậy, Chủ tịch QH cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát. Đó là cần nghiên cứu giải quyết mối quan hệ giữa “diện” và “điểm”, tức tính chất giám sát toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. “Vì vấn đề giám sát mênh mông, cuối cùng là giải quyết vấn đề gì?” – Chủ tịch QH lưu ý và nêu thực tế có trường hợp “bơi trong rừng số liệu”. Chủ tịch QH cho rằng qua giám sát sẽ góp phần kiến tạo phát triển, như ban hành các nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, nghịch lý là giám sát nhưng mục tiêu kiến tạo phát triển lại nổi bật hơn, còn nội dung xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân thì còn mờ nhạt; “nhiều khi báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chỉ vài ba dòng”, trong khi đó, giám sát thì tính phản biện, tính chiến đấu, xác định trách nhiệm phải nổi bật hơn.

Theo Chủ tịch QH, nếu không cá thể hóa được trách nhiệm của tổ chức, của cơ quan có liên quan thì sau này tình hình vẫn thế; làm tốt không được khen thưởng, động viên mà làm không ra gì cũng chẳng sao thì tự nhiên sẽ mất hết động lực. Chủ tịch QH cũng lưu ý sớm nghiên cứu ban hành nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH. 

Đi đến cùng vấn đề

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh đến hiệu quả của việc “giám sát lại”, tức giám sát vấn đề sau giám sát được quan tâm hơn, đi đến cùng vấn đề. Đã làm và sẽ làm tiếp. Không phải ban hành nghị quyết là xong. “Giám sát phải có hiệu lực. Tốt phải được biểu dương nhưng sai phạm phải xem xét xử lý. Vấn đề có khuyết điểm thì phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không thể nói chung chung” – Chủ tịch QH nói.