• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Bắn tên lửa “bóng ma” Oreshnik vào Ukraine, ẩn ý của Nga không đơn giản

Bắn tên lửa “bóng ma” Oreshnik vào Ukraine, ẩn ý của Nga không đơn giản

Việc Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công TP Dnipro ở miền Trung Ukraine là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Kiev và các đồng minh, trong lúc cho thấy cuộc xung đột đang leo thang khó lường khi chỉ còn hai tháng nữa là Nhà Trắng đổi chủ.

Vụ tấn công hôm 21-11 này, theo trang Rolling Stone, dường như là nỗ lực của Điện Kremlin nhằm hạn chế không gian hành động của Tổng thống Joe Biden trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ông Biden trước đó đã cho phép Ukraine sử dụng các hệ thống vũ khí quan trọng của Mỹ, trong đó có tên lửa chiến thuật, nhằm củng cố năng lực phòng thủ.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21-11 cho biết Nga đã tấn công nhà máy Yuzhmash (một cơ sở sản xuất đạn dược) ở TP Dnipro bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phi hạt nhân có tên mã là “Oreshnik”.

Nhà lãnh đạo này cũng để ngỏ khả năng không kích bên ngoài lãnh thổ Ukraine khi nhấn mạnh: “Nga có quyền sử dụng vũ khí nhằm vào các cơ sở ở những quốc gia đã cho phép một bên khác sử dụng vũ khí của họ để tấn công các cơ sở của Nga”.

A Yars ICBM launches in a strategic deterrence forces exercise on Oct. 26, 2024, in Russia. EyePress News/Shutterstock

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga trong cuộc diễn tập hôm 26-10-2024. Ảnh: EyePress News/Shutterstock

Theo giới phân tích, thông điệp của ông Putin là rất rõ ràng: Nếu các đồng minh tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine, cuộc xung đột với một cường quốc hạt nhân có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và Nga có thể cảm thấy cần thiết phải tấn công Mỹ hoặc một thành viên khác của NATO.

Đáng chú ý, theo học thuyết hạt nhân mới được sửa đổi, Moscow giờ đây có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi hạt nhân được các cường quốc hạt nhân hậu thuẫn, cũng như trong trường hợp Nga phải chịu một cuộc không kích “mang tính hủy diệt lớn”.

Theo trang Rolling Stone, không có hồ sơ nào trước đây về loại tên lửa mang tên “Oreshnik”. Theo phân tích ban đầu của một số chuyên gia, vũ khí được sử dụng dường như là một phiên bản của tên lửa đạn đạo RS-26 Rubezh.

Đây là loại tên lửa nhiên liệu rắn nhiều tầng nặng 40 tấn, mang theo nhiều đầu đạn hồi quyển, đạt tốc độ vượt quá 20 lần tốc độ âm thanh và có khả năng tấn công ở khoảng cách hàng ngàn km từ điểm phóng.

RS-26 được thiết kế để tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, tên lửa được sử dụng trong vụ tấn công hôm 21-11 dường như mang nhiều đầu đạn với chất nổ thông thường.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ The Moscow Times rằng Nga đã phóng một “tên lửa đạn đạo tầm trung thử nghiệm” nhắm vào Ukraine, mục đích là đe dọa Ukraine và các đồng minh của nước này, hoặc thu hút sự chú ý.

Vụ tấn công trên diễn ra hai ngày sau khi lực lượng Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất vào Nga. Ngoài ra, theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine còn sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất, một loại vũ khí mạnh mẽ khác có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Một số chuyên gia nhận định vụ tấn công bằng tên lửa Oreshnik có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, nhất là sau khi Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân trong động thái được xem là đã hạ thấp ngưỡng sử dụng loại vũ khí này.

Theo họ, vụ tấn công là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Nga hiện có kho vũ khí đa dạng hơn với các loại tên lửa lớn hơn và khác biệt, đồng thời sẵn sàng phát triển thêm.

Bà Karolina Hird, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) nói với tờ The Washington Post rằng động cơ của Nga cho vụ tấn công tên lửa này không chỉ giới hạn trên chiến trường mà còn nhằm tạo ra các hiệu ứng thông tin để tác động đến những người ra quyết định ở phương Tây và Ukraine.