Xung đột Gaza phủ bóng COP28

Trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Báo cáo về khoảng cách phát thải của Liên Hiệp Quốc đã được công bố với lời cảnh báo nếu các quốc gia không nhanh chóng lên kế hoạch cắt giảm mạnh, nhiệt độ toàn cầu cuối thế kỷ này sẽ tăng từ 2,5 – 2,9 độ C so với thời tiền công nghiệp, vượt xa mốc 1,5 độ C mà các nhà khoa học cho rằng sẽ bắt đầu gây hậu quả thảm khốc.

Ngay cả trong kịch bản phát thải lạc quan nhất, thế giới chỉ có 14% khả năng duy trì mức tăng nhiệt ở con số 1,5 độ C đã được đưa ra tại Thỏa thuận Paris năm 2015.

Báo cáo cũng chỉ ra lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đã tăng 1,2% từ năm 2021 đến 2022, tương đương 57,4 gigaton CO2 trong cả năm. 

Tuy vậy, trả lời phỏng vấn độc quyền báo The Guardian, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber, người thay mặt cho nước chủ nhà Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) dẫn dắt các cuộc đàm phán, cho rằng thỏa thuận để duy trì hy vọng 1,5 độ C vẫn trong tầm tay, miễn là thế giới đồng thuận về một lộ trình đủ mạnh mẽ để cắt giảm khí nhà kính vào năm 2030 đúng theo mục tiêu khoa học.

Xung đột Gaza phủ bóng COP28 - Ảnh 1.

Trẻ em Palestine xếp hàng chờ lấy nước trong bối cảnh thiếu nước uống ở Rafah – Gaza hôm 23-11 Ảnh: REUTERS

Theo The Guardian, những tuần gần đây đã chứng kiến nhiều bước tiến quan trọng, như các quốc gia đồng thuận về kế hoạch thành lập một quỹ “bồi thường khí hậu” dành cho các nước bị ảnh hưởng nặng nhất, đồng thời đạt cột mốc lớn về vấn đề tài chính khí hậu… 

Dự kiến có hơn 70.000 đại biểu từ 198 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự COP28, khai mạc vào ngày 30-11 và kéo dài đến ngày 2-12 (giờ địa phương).

Tuy nhiên, có một điểm nóng đang khiến các nhà phân tích lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tại COP28, đó là cuộc xung đột Israel – Hamas tại Dải Gaza. Ông Ulrich Eberle – Giám đốc dự án Khí hậu, Môi trường và Xung đột tại Tổ chức International Crisis Group (Bỉ) – cho biết COP28 sẽ là phép thử cho việc liệu các quốc gia có thể ngăn chặn các cuộc khủng hoảng hiện nay tác động xấu đến ngoại giao khí hậu hay không. 

Theo kênh Channel NewsAsia, ông Eberle cảnh báo: “Biến đổi khí hậu là mối quan tâm toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu. Cuộc giao tranh ở Gaza đang có nguy cơ làm suy yếu khả năng đạt được đồng thuận”.

Biến đổi khí hậu đang có tác động nghiêm trọng đến khu vực Trung Đông. Nhiệt độ cực cao trên 50 độ C gây khó khăn lớn cho cuộc sống của người dân khi tình trạng khan hiếm nước và hạn hán làm thiếu hụt lương thực. 

Bên cạnh đó, xung đột tại Gaza có thể làm hao hụt nguồn tài chính cần thiết để chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, thậm chí khiến những nước tham gia chủ chốt rời khỏi diễn đàn. Theo tờ The New York Times, Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham dự COP28 do đang tập trung giải quyết vấn đề ở Gaza.

Liên quan đến tình hình Gaza, theo hãng tin AP, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và ông David Barnea, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Mossad của Israel, đã có mặt tại Qatar, nhà hòa giải chính về vấn đề Gaza, để thảo luận về việc gia hạn lệnh ngừng bắn và thả thêm con tin.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến trở lại thăm khu vực trong tuần này. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Hamas cho biết nhóm này sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 4 ngày và thả thêm con tin.