• Trang chủ
  • Kinh tế
  • Vì sao hàng Việt trên sàn thương mại điện tử yếu thế trên sân nhà?

Vì sao hàng Việt trên sàn thương mại điện tử yếu thế trên sân nhà?

Ngày 20-11, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”.

Ông Nguyễn Xuân Thảo, Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết cần nhìn nhận thẳng vấn đề rằng hàng Việt đang gặp nhiều áp lực rất lớn khi các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới giá rẻ như Temu, Shein, 1688, Taobao… đổ bộ.

Điều này càng làm gia tăng áp lực cạnh tranh trong khi trước đó, thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.

Theo ông Thảo, hàng Việt gặp khó là do chi phí logistics cao hơn so với các nước khác, nhất là Trung Quốc; chất lượng dịch vụ chưa đồng nhất; chưa ưu tiên phát triển theo hướng bền vững; thiếu nhân lực có chuyên môn cao…

Vì sao hàng Việt trên sàn thương mại điện tử yếu thế trên sân nhà?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thảo, Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Do vậy, ông Thảo đề xuất các doanh nghiệp trong nước cần phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh; sử dụng xe máy điện cho giao hàng chặng cuối giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI)… trong kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được hiệu quả và nhanh chóng, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt hơn.

Song song đó, tăng cường hợp tác với chính phủ và ngành hải quan để cải thiện quy trình hải quan và giảm thiểu các rào cản pháp lý, giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi và giảm chi phí cũng như tăng tính bền vững đối với hoạt động logistics cho thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Thư ký VECOM, cho rằng các doanh nghiệp còn cần phải liên tục cập nhật thông tin để giúp việc kinh doanh trên thương mại điện tử hiệu quả hơn, những điểm chính quan trọng doanh nghiệp cần phải lưu tâm là ứng dụng AI, livestream và quảng cáo.

Theo ông Đức, nhiều kênh livestream chỉ mới tạo vài ngày và tiến hành livestream hàng đêm đã thu hút đến hàng chục ngàn người xem, thu hút triệu view mỗi tháng… từ đó dễ dàng tăng trưởng doanh thu.

Đặc biệt, ông cho rằng thương mại điện tử chính là môi trường các doanh nghiệp càng nên tận dụng để xuất khẩu xuyên biên giới.

“Trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn có thể tăng trưởng liên tục 15% – 20% mỗi năm” – ông Đức nói.

Bên cạnh đó, chị Diệp Lê (32 tuổi), một KOL nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế hiện nay với những phiên livestream doanh số triệu đô, cho biết doanh nghiệp Việt ngoài livestream thì nên tận dụng thêm lợi thế ngôn ngữ trong nước để phát triển đội ngũ chăm sóc, hậu mãi của mình.

Ngoài ra, thế mạnh của hàng Việt là hiểu người tiêu dùng Việt và dễ kiểm soát chất lượng đơn hàng hơn. Do đó, doanh nghiệp cần phát huy lợi thế này để làm giảm áp lực cạnh tranh giữa các hàng hóa xuyên biên giới hiện nay.