Vì sao Đức quyết không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine?

Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius hôm 18-11 cho hay quyết định của Mỹ không làm thay đổi đánh giá của Đức khi được hỏi liệu Thủ tướng Đức Olaf Scholz có dỡ bỏ lệnh cấm gửi tên lửa Taurus với tầm bắn 500 km tới Kiev hay không.

Featured, Germany, Olaf Scholz, Boris Pistorius, defence, war in Ukraine, military support for Ukraine,

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: DPA

Phát biểu trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất trực thăng ở Bavaria, ông Pistorius nói thêm rằng hiện tại không có lý do gì để đưa ra quyết định khác. Thay vào đó, quân đội Đức có ý định cung cấp 4.000 máy bay không người lái sử dụng hệ thống điều khiển được trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức lập luận rằng việc chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường.

Bộ trưởng Pistorius nhấn mạnh: “Taurus không phải là yếu tố thay đổi cục diện. Nhiệm vụ của chúng tôi khác hơn. Bây giờ chúng tôi phải đảm bảo rằng Ukraine tiếp tục nhận được nguồn viện trợ bền vững”.

Người phát ngôn chính phủ Đức cho biết Washington đã thông báo trước cho Berlin về sự thay đổi chính sách về vũ khí tầm xa. 

Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh Đức không gửi vũ khí tầm xa nào cho Ukraine. Thủ tướng Scholz đánh giá việc cung cấp tên lửa Taurus cho quân đội Ukraine sẽ khiến Đức trở thành bên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp tấn công tầm xa vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. 

Theo đài RT, Moscow cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và trở thành cuộc xung đột trực tiếp của NATO với Nga. Mỹ, Anh và Pháp trước đây đã cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine nhưng Đức từ chối làm như vậy.

Anh là nước đầu tiên cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Storm Shadow vào tháng 5-2023, Pháp cũng có động thái tương tự vài tháng sau đó khi gửi hệ thống SCALP. Mỹ đã chuyển giao tên lửa ATACMS vào mùa thu cùng năm.

Đến nay, Anh và Pháp đều đang để ngỏ khả năng cho phép Ukraine sử dụng Storm Shadow/SCALP để tấn công vào lãnh thổ Nga.