Thỏa thuận trên nếu hoàn tất sẽ “mở khóa” 50 tỉ USD bằng cách khai thác lợi nhuận từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) đang bị đóng băng. Dựa trên thỏa thuận của Nhóm G-7 hồi tháng 6, khoản tiền này dự kiến được chuyển cho Ukraine vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, kế hoạch bị chậm trễ do các yêu cầu từ phía Mỹ. Washington lo ngại Liên minh châu Âu (EU) cần phải gia hạn lệnh đóng băng tài sản 6 tháng một lần cùng với các lệnh trừng phạt rộng hơn nhắm vào Moscow.
Một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ Washington muốn có sự đảm bảo từ các đồng minh rằng tài sản của Nga sẽ vẫn bị phong tỏa cho đến khi đạt được thỏa thuận hòa bình công bằng và Moscow phải bồi thường thiệt hại do xung đột gây ra.
Ngoài ra, Hungary cũng ngăn EU chuyển tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine.
Khoản tiền trên sẽ hỗ trợ đáng kể cho Ukraine khi cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm. Kiev đang tìm cách chặn bước tiến mạnh mẽ của Nga ở phía Đông trong khi chuyển nguồn lực sang mặt trận mới ở khu vực Kursk, phía Tây nước Nga sau cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 6-8.
Ukraine yêu cầu các bên liên quan phải đưa ra quyết định vào tháng 9 giữa lúc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu về ngân sách của Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hôm 21-8: “Chúng tôi cần một cơ chế thực sự. Các cuộc thảo luận đã diễn ra quá lâu và cuối cùng chúng tôi cần một quyết định”.
Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết công việc vẫn đang được tiến hành và sẽ cần thêm các cuộc thảo luận trong những tuần tới.
Các đồng minh của Ukraine đã đóng băng tài sản của RCB – phần lớn được nắm giữ ở châu Âu – sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2-2022. Phương Tây đã yêu cầu sử dụng khoản tiền này để bồi thường thiệt hại và giúp tái thiết Ukraine sau xung đột.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 23-8 thúc giục Tổng thống Zelenskiy ngồi lại đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Lời kêu gọi được đưa ra khi ông Modi tới thăm Kiev.
“Con đường dẫn đến giải pháp chỉ có thể tìm thấy thông qua đối thoại và ngoại giao. Chúng ta nên tiến theo hướng đó, không nên lãng phí thời gian. Cả hai bên nên ngồi lại với nhau để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng này” – ông Modi phát biểu tại Kiev.
“Tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng Ấn Độ sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong mọi nỗ lực hướng tới hòa bình, ngay cả cá nhân tôi”.
Sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ, ông Zelenskiy cho biết: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là Ấn Độ vẫn cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và ủng hộ chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”.