Chiều 16-8, Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Trong suốt 30 năm qua, bằng sự nỗ lực không ngừng với tinh thần “ Đoàn kết thống nhất, năng động sáng tạo” Trung tâm Quản lý Đường thủy đã cố gắng phấn đấu và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – nhận định TP.HCM có lợi thế lớn về đường thủy với hơn 1.000km đường thủy, dòng sông Sài Gòn chạy quanh và đi vào trung tâm TP. Hoàn thành 46 dự án chống sạt lở với chiều dài 11.485m bờ sông, kênh, rạch được gia cố. Các dự án này đã đưa vào sử dụng đã phát huy toàn diện được mục tiêu đầu tư của dự án, đó là chống sạt lở tạo sự ổn định lâu dài, bền vững cho khu vực bờ; giảm thiểu tình trạng ngập úng do triều cường và mưa lớn; cải tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, tạo mảng xanh và hình thành những khu vui chơi giải trí, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân trong khu vực.
Trong đó, vận tải hàng hải chiếm đến 22% tổng sản lượng cả nước, dự báo lượng hành khách, hàng hóa thông qua TP.HCM sẽ tăng 4-5% trong thời gian tới.Kết quả thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM đến nay có hơn 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân hằng ngày khoảng 2.000 – 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí. Số phí thu bình quân 1 ngày là 6 tỉ đồng.
Trong đó, thu phí từ 1-4-2022 đến tháng 12-2023 là hơn 3.800 tỉ đồng và thu 6 tháng đầu năm 2024 là hơn 1.000 tỉ đồng (đạt 48,1% so với dự kiến). Đến nay, TP.HCM dự kiến đã thu hơn 5.200 tỉ đồng phí hạ tầng cảng biển để quay lại đầu tư đường sá, hạ tầng kết nối vào các cảng.
.
Ông Tống Hoàng Kha – phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam – kỳ vọng sắp tới đây, TP.HCM phát triển hơn nữa vận tải hành khách, hàng hóa, du lịch thủy. Nhất là khả năng vận tải hàng siêu trường, siêu trọng… Từ đó chia sẻ áp lực với đường bộ, góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị và kết nối tốt hơn nữa với các tỉnh, thành lân cận.
Việc tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp cải tạo hệ thống giao thông đường thủy nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của Thành phố góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, phát triển vận tải hàng hóa và hành khách kết hợp với du lịch đường thủy là điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Thành phố và khu vực.
Trung tâm Quản lý đường thủy trong mỗi bước đường phấn đấu, xây dựng và thực hiện chức năng, nhiệm vụ phát triển hệ thống giao thông thủy của mình. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống giao thông của thành phố.
Thanh Dung