Chủ tịch UBND TP HCM vừa ký ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
Việc này nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.
Đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở các cơ quan, ngân hàng thương mại nhà nước, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện, khu ký túc xá sinh viên… thuộc phạm vi, địa bàn TP HCM quản lý (gọi tắt là công trình, dự án tồn đọng).
Theo kế hoạch, các sở, ban, ngành của TP HCM sẽ tập trung rà soát các công trình, dự án tồn đọng theo 5 nhóm.
Nhóm 1: Các dự án đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Nhóm này gồm 3 nhóm thành phần với tiêu chí cụ thể như sau:
Nhóm các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công: các dự án đầu tư công đến thời điểm hiện nay chưa hoàn thành dự án và đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công (tính từ thời điểm năm đầu tiên bố trí vốn khởi công).
Đó là dự án nhóm B có tổng mức đầu tư dưới 800 tỉ đồng là không quá 5 năm; dự án nhóm B có tổng mức đầu tư từ 800 tỉ đồng đến dưới 2.300 tỉ đồng là không quá 8 năm; nhóm C là không quá 3 năm; còn dự án nhóm A không quy định thời gian bố trí vốn nên đề nghị rà soát theo thời hạn của dự án nhóm B trên 2.300 tỉ đồng, không quá 8 năm (thực hiện theo Luật Đầu tư công 2014); dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm (thực hiện theo Luật Đầu tư công 2019); các dự án sử dụng vốn ODA.
Nhóm các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư: danh mục các dự án đã được rà soát, đang theo dõi tại các Tổ công tác và các dự án chậm tiến độ, đang dừng hoặc tạm dừng thực hiện.
Nhóm các dự án đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP): các dự án PPP đang chậm thực hiện theo tiến độ tại các Hợp đồng dự án, Giấy chứng nhận đầu tư.
Nhóm 2: Các tài sản công, bao gồm trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả và các loại tài sản công khác không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả (khu ký túc xá sinh viên, các bệnh viện, …).
Nhóm 3: Các tài sản, dự án đầu tư tồn đọng, dừng thi công, không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TP HCM hoặc của doanh nghiệp có phần vốn góp của các doanh nghiệp này; các dự án do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, có sử dụng tài sản công để góp vốn, hết thời hạn hoạt động, gia hạn thời hạn hoạt động.
Nhóm 4: Các công trình, dự án tồn đọng liên quan tới quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử (bao gồm các dự án đã được tổng hợp trong danh sách của Tổ công tác 153 và các dự án có phát sinh việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử sắp tới).
Nhóm 5: Các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa, có phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng… chưa được đưa vào sử dụng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND TP HCM giao làm cơ quan đầu mối tiến hành rà soát các công trình, dự án tồn đọng; phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện xử lý vướng mắc.
Đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng hoặc nhóm công trình, dự án tồn đọng; thực hiện kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc và phối hợp giải quyết vướng mắc cho tới khi có kết quả cuối cùng; tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả xử lý giải quyết vướng mắc.
Thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 31-12-2024.
Thay thế, điều chuyển cán bộ không dám làm, né tránh
UBND TP HCM sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực.
Đồng thời kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.