• Trang chủ
  • Giáo dục
  • Tọa đàm “Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay”: Đào tạo sát sườn nhu cầu doanh nghiệp

Tọa đàm “Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay”: Đào tạo sát sườn nhu cầu doanh nghiệp

Ngày 27-8, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay” và khép lại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2024 với sự tham dự của hơn 20 đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ và doanh nghiệp tại TP HCM. Rất nhiều ý kiến tâm huyết được nêu tại tọa đàm này.

Đại diện các trường ĐH, CĐ và doanh nghiệp tham dự tọa đàm “Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay”, sáng 27-8. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đại diện các trường ĐH, CĐ và doanh nghiệp tham dự tọa đàm “Các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay”, sáng 27-8. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mở ngành cần gắn với nhu cầu nhân lực

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM, cho rằng điểm chuẩn đầu vào là yếu tố quan trọng góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực.

Lý giải, TS Hạ cho biết hầu hết các trường hợp thi tốt nghiệp THPT trên 27 điểm đều là những thí sinh đã xác định được trường ĐH, mục tiêu nghề nghiệp từ rất sớm. Chính vì vậy, quá trình ôn luyện và thi cử của các học sinh này đạt được những kết quả rất thuyết phục.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP HCM, cho biết năm nay, điểm chuẩn các khối ngành kỹ thuật đều tăng. Đây là tín hiệu tốt để có được nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội trong thời gian tới.

Bàn về xu hướng chọn ngành, PGS-TS Trần Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Văn Hiến, nhận xét đa số học sinh, sinh viên thường quan tâm những ngành “hot”, ngành mới mà quên rằng những ngành truyền thống như tài chính ngân hàng, quản trị nguồn nhân lực… vẫn có chỗ đứng ổn định trong tuyển sinh hằng năm.

“Để tăng tính cạnh tranh giữa các trường ĐH cũng như thu hút sinh viên nhập học, nhà trường cũng phải thay đổi chương trình đào tạo hằng năm, cụ thể là mở thêm ngành học mới” – PGS-TS Hoàng cho hay.

ThS Trương Quang Trị, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận: “Không phải cứ mở ngành mới thì đó là ngành mới. Thực chất, trường ĐH này mở ngành mới nhưng đó có thể là ngành cũ ở một số trường ĐH khác. Tuy nhiên, yêu cầu điểm chuẩn đầu vào, học phí có phần khác nhau sẽ mở ra thêm cơ hội lựa chọn cho sinh viên”.

ThS Vũ Đình Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh – Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết mặc dù là đào tạo ngành mới nhưng vẫn bám trên sườn của ngành cũ, lấy kiến thức những ngành truyền thống của nhà trường làm trọng tâm.

Theo TS Trần Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo chỉ rõ: Muốn mở ngành học mới thì phải tiến hành khảo sát nhu cầu lao động, chuyên gia, người học, giáo viên trong trường… Khi mở ngành mới, trường không thể tuyển nhiều chỉ tiêu ở ngành này. Trong 3 năm đầu tiên mở ngành, nếu không tuyển sinh trên 50% sẽ phải đóng ngành.

“Hiện nay, đa phần các trường ĐH đều tự chủ. Vì vậy khi mở ngành, yếu tố quyết định là phải gắn liền với nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại và dài hạn” – TS Hưng nhận định.

Nhiều ngành học tuyển dụng khó khăn

ThS Nguyễn Quang Anh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ TP HCM, cho biết công tác tuyển sinh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì số đông thí sinh vẫn ưu tiên học ĐH.

“Mỗi bậc học có những ưu điểm riêng. Với CĐ, thời gian học chỉ 2,5 năm, 70% thời lượng học thực hành… Trong những năm qua, trường nhận được đề nghị của nhiều tập đoàn đa quốc gia về tuyển dụng. Điều này chứng tỏ nhu cầu tuyển dụng cũng rất đa dạng ở các trình độ khác nhau” – ông Chương nhấn mạnh.

ThS Trần Công Nam, Phó Hiệu trưởng điều hành, Trường CĐ Kỹ thuật – Du lịch Sài Gòn, cho biết học sinh có nhiều hướng đi sau tốt nghiệp THPT, các em có thể chọn học ĐH, CĐ. Sau khi hoàn tất chương trình CĐ, sinh viên hoàn toàn có thể liên thông lên ĐH. Tùy vào nhu cầu việc làm và mục tiêu phấn đấu, các em không nhất thiết phải vào ĐH mới thành công.

Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, lực lượng lao động năm 2024 ước tính là 5.115.288 người, tăng 5,61% so với năm 2023, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020 – 2024 là 1,27%/năm. Ước tính số lao động có việc làm năm 2024 khoảng 4.827.090 – 4.834.358 người (với kịch bản tăng trưởng kinh tế 8% – 8,5%), tăng khoảng 3,43% – 3,59% so với năm 2023.

Ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động. Theo kết quả khảo sát của trung tâm trong 6 tháng đầu năm 2024 tại 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP HCM, có đến 23,55% doanh nghiệp trả lời gặp khó khăn khi tuyển dụng.

Một số lý do mà doanh nghiệp đưa ra gồm: khó tìm lao động có ngành đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng; lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và năng lực thực hành ứng dụng vào công việc thấp; doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển, không tìm được lao động vừa có chuyên môn cao vừa có ngoại ngữ lưu loát…

Vừa thiếu thầy, vừa thiếu thợ là tình trạng chung của một số doanh nghiệp. Ông Trương Hoàng Tâm – Phó Phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn Công ty In số 7 (Khu Công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) – cho biết thị trường lao động ngành in đang có nhu cầu lao động rất nhiều nhưng số trường đào tạo ngành này rất ít. Công ty phải tự đào tạo hoặc liên kết với một số trường để “chữa cháy” trong thời điểm thiếu hụt lao động. Những năm qua, công ty cũng hỗ trợ học bổng, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp. Công ty cũng có hướng mở cho những sinh viên năm nhất, năm hai có thể làm việc thời vụ có lương.

“Nhiều trường và giáo viên đưa trường học đến học sinh nhưng chưa đưa ngành nghề đến học sinh. Theo tôi, trường ĐH, trường THPT và doanh nghiệp cần kết hợp để học sinh biết được ngành nghề từ bậc THPT sớm” – ông Tâm đề xuất.

Thu hẹp độ vênh giữa đào tạo và tuyển dụng

Đến từ đơn vị đào tạo kỹ năng mềm, có hơn 20 năm cung cấp nhân sự cho các tập đoàn lớn trên cả nước, bà Lương Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH NodeX Asia, nhận thấy chất lượng sinh viên ngày nay ảnh hưởng rất nhiều từ chương trình đào tạo của các trường ĐH.

Bà Lương Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH NodeX Asia, cho biết tỉ lệ sinh viên ra trường có thái độ cầu thị rất cao. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Lương Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH NodeX Asia, cho biết tỉ lệ sinh viên ra trường có thái độ cầu thị rất cao. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

“Hai yếu tố chính quyết định chất lượng lao động là thái độ và kỹ năng mềm. Tỉ lệ sinh viên ra trường có thái độ cầu thị rất cao. Tôi rất bất ngờ khi các ứng viên tìm hiểu thông tin cẩn thận về doanh nghiệp trước khi ứng tuyển việc làm. Kỹ năng mềm của nhân lực trẻ tốt, như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…” – bà Tú Anh chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo bà Tú Anh, thế hệ gen Z vẫn có một số mặt hạn chế. Cụ thể, kỹ năng tay nghề vẫn còn khá cơ bản, thực hành vẫn còn hạn chế; kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp, kỹ năng lập kế hoạch thời gian… chưa tốt. Nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng “sống ảo”, chưa nhìn sâu vào thực tế, khiến doanh nghiệp cũng khó tuyển dụng.

Ở góc độ công ty tuyển dụng, bà Ngô Thị Oanh Vũ, Công ty DeHues Việt Nam, cho biết hơn 50% nhân lực của công ty đến từ ngành chăn nuôi và thú y. Đây cũng là nhóm ngành rất khó tuyển dụng. Nhìn chung, đa số lao động trẻ hiện nay vẫn còn bị giới hạn về mặt ngôn ngữ. Chính vì vậy, công ty cố gắng tạo điều kiện ưu tiên cho những ứng viên có khả năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản trở lên, không yêu cầu bằng cấp hay chứng chỉ.

Theo TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, khi xây dựng chương trình đào tạo phải tuân thủ chuẩn đầu ra từ kiến thức, kỹ năng, thái độ. Độ vênh trong đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp càng nhỏ thì càng tốt.

“Phải chấp nhận độ vênh đó, vì đặc thù công việc của từng doanh nghiệp đều khác nhau. Người học bắt buộc phải có những yêu cầu năng lực cơ bản mà doanh nghiệp yêu cầu. Độ vênh sẽ ngắn lại khi các em từng bước tham gia doanh nghiệp. Thời gian sẽ trau dồi thêm kinh nghiệm cho các em” – TS Trường nhìn nhận.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng chất lượng tân sinh viên ngày càng được nâng cao. Bằng chứng là sinh viên xác định được bản thân muốn trở thành người như thế nào trong tương lai. Chính sinh viên khiến nhà trường phải thay đổi nhiều phương thức đào tạo để tiếp cận với làn sóng năng động của thế hệ gen Z.

PGS-TS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng cơ sở đào tạo cần đổi mới để tiệm cận thế hệ lao động gen Z

PGS-TS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng cơ sở đào tạo cần đổi mới để tiệm cận thế hệ lao động gen Z. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết để phát triển kỹ năng toàn diện cho sinh viên, nhà trường đã áp dụng học qua trải nghiệm, học qua dự án, học qua thực hành. Ngoài ra, trường còn hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng mềm cho các tân cử nhân tương lai. 

23 năm kiên trì hướng nghiệp

Suốt 23 năm qua, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động tổ chức đã góp phần định hướng nghề nghiệp cho hàng triệu học sinh; giúp các em tiếp cận nghề nghiệp và chọn ngành học ở giai đoạn “đầu vào” cho hành trình học tập, rèn luyện tại các cơ sở đào tạo. Sau đó, các em gia nhập thị trường lao động với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM – người có hơn 20 năm gắn bó với chương trình, đánh giá “Đưa trường học đến thí sinh” mang đậm chất hướng nghiệp. Lồng ghép trong các câu trả lời về tuyển sinh là công tác hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em hiểu và xác định ngành nghề phù hợp.

Từng có nhiều năm theo suốt các chương trình của Báo Người Lao Động, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, đánh giá chương trình không nặng về tuyển sinh mà xem trọng hướng nghiệp để thí sinh hiểu, từ đó chọn nghề phù hợp. Trong các chương trình tư vấn trực tiếp của Báo Người Lao Động, các em thường nán lại gặp các trường để được tư vấn trực tiếp.

Tránh lãng phí nguồn nhân lực

Phát biểu tại tọa đàm, Nhà báo – TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh nhân lực là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của mọi quốc gia trên thế giới. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào nhân lực và hiện nay, họ thu hoạch những thành quả đáng kể.

Ông Tô Đình Tuân cũng chia sẻ rằng Việt Nam đang trong cơ cấu dân số “vàng”, với lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 đến 64 chiếm gần 52,4 triệu người trong tổng số 100 triệu dân tính đến cuối năm ngoái. Tuy nhiên, hơn 70% lực lượng lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động ngày càng gia tăng do nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường; một bộ phận lao động sau khi được đào tạo vẫn thiếu kỹ năng và kiến thức, dẫn đến việc họ không được thị trường lao động chấp nhận, và năng suất lao động của Việt Nam hiện còn thấp hơn so với nhiều quốc gia châu Á.

Khắc phục các vấn đề nêu trên không hề dễ dàng vì đây là những thách thức vĩ mô và lớn lao của đất nước, không thể giải quyết bằng những giải pháp đơn lẻ trong thời gian ngắn. Do đó, nhà báo Tô Đình Tuân cho rằng trong khuôn khổ chương trình, tiếng nói từ các đơn vị đào tạo, các nhà tuyển dụng… sẽ góp phần đề xuất những giải pháp phát triển nguồn nhân lực, gắn kết đào tạo với tuyển dụng để tránh lãng phí nguồn lực lao động – đặc biệt là lao động đã qua đào tạo – và nâng cao năng suất lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.

Chương trình nhận được sự đồng hành của các đơn vị

* Công ty CP Phân bón Bình Điền

* Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank)

* Tập đoàn Vingroup

* Trường ĐH Văn Hiến

* Trường CĐ Kỹ thuật – Du lịch Sài Gòn

* Công ty CP Uniben

* Trường ĐH Tài chính – Marketing TP HCM

* Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

* Trường ĐH Hùng Vương TP HCM

* Tập đoàn Giáo dục EQuest