Để giáo viên yên tâm công tác, nhiều quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo đang được tính toán để cải thiện, trong đó lương cơ bản của nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn chia sẻ dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều nội dung quan trọng, trong đó chính sách tiền lương của nhà giáo được ưu tiên. Nổi bật nhất là lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Kỳ vọng giáo viên yên tâm với nghề
Bên cạnh đó, giáo viên (GV) mầm non, GV đang công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, GV trường chuyên biệt, GV người dân tộc thiểu số hay nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù… được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.
Dự thảo luật mới bổ sung, làm rõ một số chính sách thu hút đối với nhà giáo. Đó là được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút; bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các chính sách thu hút được kỳ vọng sẽ giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nhất là nhà giáo tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà các chính sách hiện hành của nhà nước chưa đáp ứng được.
Lý giải thêm về đề xuất nâng phụ cấp đối với GV mầm non, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo – Bộ GD-ĐT, cho hay hiện phụ cấp nghề với nhà giáo đang quy định là 25% đối với giảng viên đại học và 35%-70% đối với GV mầm non, phổ thông tùy theo đối tượng và vùng miền công tác. Ban soạn thảo đề xuất tăng thêm phụ cấp cho GV mầm non do xuất phát từ thực tế GV mầm non có thời gian làm việc tại trường dài hơn, điều kiện làm việc khó khăn và áp lực hơn.
Về chính sách tăng 1 bậc lương đối với nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu, ông Vũ Minh Đức cho biết theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, trong số GV bỏ nghề, có tới 61% ở tuổi dưới 35 và một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là thu nhập thấp không đủ trang trải cho nhu cầu sinh hoạt. Trong khi người trẻ có nhiều thứ phải lo như nuôi bản thân, lo cho con cái, nhu cầu học tập nâng cao trình độ… Lương GV có thâm niên dưới 5 năm hiện nay rất thấp. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng GV bỏ nghề, chuyển/bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
“Vì thế, việc nâng 1 bậc lương với GV khi xếp lương khởi điểm là đề xuất nhằm khuyến khích người trẻ vào nghề dạy học” – ông Đức nói.
Quan tâm đến 150.000 viên chức hỗ trợ, phục vụ
Liên quan đến đội ngũ nhân viên trường học hiện đang có thu nhập rất thấp, ông Vũ Minh Đức cho biết toàn quốc đang có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học, gồm nhân viên kế toán, y tế, thư viện, thiết bị thí nghiệm, phụ trách công nghệ thông tin, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật.
Các nhân viên kế toán, giáo vụ, thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ người khuyết tật khi mới được tuyển dụng, bổ nhiệm và xếp lương theo hệ số lương viên chức loại A0 có hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89. Như vậy, mức lương dưới 10 năm công tác khoảng 3,6 triệu đến 4,8 triệu đồng/tháng; trên 10 năm công tác đến khi nghỉ hưu từ 5,4 triệu đến 8,8 triệu đồng/tháng, chưa tính trích nộp bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, nhóm nhân viên kế toán, thủ quỹ được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,1 so với mức lương cơ sở; nhân viên thiết bị thí nghiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,2 so với mức lương cơ sở.
Nhân viên khác (thư viện, y tế, văn thư, công nghệ thông tin) mới được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp được xếp lương viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Như vậy, mức lương dưới 10 năm công tác từ 3,3 triệu đến 4 triệu đồng/tháng; mức lương trên 10 năm công tác đến khi nghỉ hưu từ 4,4 triệu đến 7,3 triệu đồng/tháng, chưa tính trích nộp bảo hiểm xã hội. Ngoài lương cơ bản, nhân viên y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi 20% so với mức lương cơ bản. Nhân viên văn thư, thư viện, công nghệ thông tin không có phụ cấp.
Tổng thu nhập của nhân viên trường học (bao gồm các loại phí đóng bảo hiểm) có thời gian công tác dưới 15 năm dao động từ 3,6 triệu đến dưới 7 triệu đồng/tháng; trong khi khối lượng công việc lớn, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhiều nhân viên kế toán trường học đã bỏ nghề tìm việc khác để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống.
Đa số nhân viên trường học chưa được cơ quan quản lý tổ chức thi hoặc xét nâng hạng mà vẫn giữ nguyên hạng chức danh nghề nghiệp kể từ khi mới tuyển dụng, nên hệ số lương hưởng vẫn theo bảng lương viên chức loại B và loại A0.
Nhằm giúp đội ngũ nhân viên trường học tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 7066 đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét cho nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Đây là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, GV đang được hưởng, cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức được hưởng.
Đồng thời, khi được tuyển dụng mới, sau hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng. Lý do, đội ngũ nhân viên trường học đang hưởng ở bảng lương viên chức loại B và A0; ngoài ra, viên chức giáo vụ, thiết bị thí nghiệm không phân hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ hưởng lương ở bảng lương viên chức loại A0.
Cải thiện một bước đời sống nhà giáo
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Nói thêm về chính sách tiền lương cho GV, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong suốt thời gian vừa qua, dù đã có những thay đổi nhưng cơ bản chúng ta chưa thực hiện được nhiều về mặt chính sách tiền lương cho nhà giáo, bởi thực sự vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Có thể thấy, nhà giáo chiếm số lượng đông đảo, với trên 1 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Cho nên dẫu thực sự quan tâm nhưng để hiện thực hóa sự quan tâm này, còn phải cân đối nguồn ngân sách nhà nước có thể chi trả. Việt Nam hiện nay cũng mới thoát nghèo chưa lâu, nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước còn rất nhiều và người lao động nhìn chung còn nhiều khó khăn chứ không chỉ riêng đội ngũ nhà giáo. Vì thế, tuy đã có một định hướng rất rõ ràng nhưng để thực hiện được sẽ phải cần thêm những tính toán phù hợp về nguồn lực.
“Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh lại đây là việc cần thiết và cần tính toán. Ở góc độ nào đó cũng cần nhìn nhận, trong thời gian vừa rồi, dù chưa thực hiện được nhiều, song với 2 đợt điều chỉnh mức lương cơ sở, đời sống của đội ngũ nhà giáo cũng đã được cải thiện một bước, đem lại cho nhà giáo nhiều sự động viên” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-11