• Trang chủ
  • Kinh tế
  • Tiết lộ về số lần chốt đơn online của người Việt mỗi tháng

Tiết lộ về số lần chốt đơn online của người Việt mỗi tháng

Ngày 21-11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp phối hợp với Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững”.

Tiết lộ về số lần chốt đơn online của người Việt mỗi tháng- Ảnh 1.

Nhiều chợ truyền thống ế ẩm trong thời gian qua

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, đánh giá thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế – xã hội.

Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Năm Á năm 2024” do Google – Temasek công bố ngày 5-11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỉ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái.

TMĐT bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.

“Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường TMĐT và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” – Thứ trưởng Bộ Công Thương dự báo.

Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, đây cũng chính là thời điểm để xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới.

Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT-TT) thông tin một người tiêu dùng Việt Nam bình quân mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng.

Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ, 208.995 doanh nghiệp bán buôn.

Tuy nhiên, bán buôn, bán lẻ truyền thống sẽ không thể tồn tại do khả năng cạnh tranh thấp, tiếp cận thị trường hạn chế; không cạnh tranh được với các địa phương khác hay các nước xung quanh.

Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế và Xã hội số, sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới, như Temu, Shein… “đổ bộ” thị trường Việt Nam, dẫn tới hệ lụy nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa, nhiều chợ truyền thống không đủ sức cạnh tranh.

Vừa qua, Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá tình hình chuyển đổi số của doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ.

Cụ thể, đánh giá tại quận Phú Nhuận, TP HCM với 200 doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh, song chỉ có 3,5% số doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số.

“Nếu không nhanh chuyển đổi số, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ mất thị trường truyền thống” – ông Minh Tuấn cảnh báo.