Thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở nhiều nước

Thời tiết khắc nghiệt đang gây ra nhiều thiệt hại ở nhiều nước, trong đó nghiêm trọng nhất là Ấn Độ. Tại quốc gia Nam Á này, số người thiệt mạng trong thảm họa lở đất kinh hoàng ở bang Kerala đã tăng lên hơn 350 hôm 4-8 trong lúc nỗ lực cứu hộ và khắc phục hậu quả được đẩy mạnh.

Vụ lở đất xảy ra tại huyện Wayanad, bang Kerala vào rạng sáng 30-7, phá hủy hàng trăm ngôi nhà cùng nhiều đường sá, cầu cống và khu nghỉ dưỡng du lịch. Giới chức địa phương cảnh báo con số thương vong có thể còn tăng. 

Nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là làng Mundakkai, nơi ít nhất 205 người thiệt mạng và nhiều người còn mất tích. Do mưa lớn, du khách đã được cảnh báo rời đi một ngày trước khi xảy ra thảm họa.

Theo trang Sky News, một số chuyên gia bắt đầu đặt vấn đề liệu có phải sự phát triển nhanh chóng của du lịch tại Wayanad đã góp phần gây nên thảm kịch nêu trên hay không? Theo họ, hoạt động du lịch không kiểm soát ở Wayanad là yếu tố lớn nhất khiến những thảm họa loại này trở nên tồi tệ hơn. 

Du lịch đã xâm nhập các khu vực nhạy cảm về sinh thái và điều này lẽ ra không nên diễn ra. Mundakkai và các khu vực lân cận có hàng trăm khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ… thu hút nhiều du khách. Hơn 1 triệu du khách trong và ngoài nước đã đến Wayanad vào năm ngoái, cao gấp 3 lần năm 2011.

Hoạt động cứu hộ cứu nạn sau thảm họa lở đất tại làng Mundakkai, huyện Wayanad, bang Kerala - Ấn Độ hôm 1-8Ảnh: Reuters

Hoạt động cứu hộ cứu nạn sau thảm họa lở đất tại làng Mundakkai, huyện Wayanad, bang Kerala – Ấn Độ hôm 1-8Ảnh: Reuters

Tại miền Tây Nam Trung Quốc, ít nhất 4 người thiệt mạng và 23 người mất tích trong trận lũ quét, lở bùn ở TP Khang Định, tỉnh Tứ Xuyên hôm 3-8. 

Theo Tân Hoa Xã, thảm họa này đã làm sập một cây cầu đường cao tốc và làm hư hại nhiều ngôi nhà. Gần 1.500 nhân viên cứu hộ đã được triển khai để tìm kiếm người mất tích trong lúc gần 1.000 người bị ảnh hưởng đã được sơ tán.

Trong khi đó, các thành phố lớn ở miền Đông Trung Quốc lại đang đối mặt đợt nắng nóng khắc nghiệt. Nhiệt độ tại một số nơi đã lên đến ít nhất 40 độ C hôm 2-8 và mức nhiệt này dự kiến còn kéo dài. 

Đáng chú ý, cảnh báo nắng nóng ở mức cao nhất đã được đưa ra tại TP Thượng Hải hôm 3-8. Trước đó 2 ngày, cảnh báo tương tự đã được phát đi sau khi nhiệt độ ở trung tâm thành phố này đạt mức 40 độ C.

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết tháng rồi là tháng 7 nóng nhất từ khi dữ liệu loại này được thu thập năm 1961. Cụ thể, nhiệt độ không khí trung bình hồi tháng 7-2024 là 23,21 độ C, phá kỷ lục 23,17 độ C được thiết lập năm 2017.

Thời tiết nắng nóng cũng đang bao trùm nhiều khu vực ở Nhật Bản, theo đài NHK ngày 4-8. Một số địa phương trên đảo Kyushu có nhiệt độ lên gần 40 độ C. Trước đó 1 ngày, theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), TP Shimanto, tỉnh Kochi ghi nhận nhiệt độ 39,8 độ C.

JMA và Bộ Môi trường Nhật Bản đã phát đi cảnh báo sốc nhiệt cho 37 trong số 47 tỉnh sau khi nước này trải qua tháng 7 nóng nhất từng được ghi nhận. Theo báo Asahi, chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận 123 trường hợp tử vong vì sốc nhiệt trong tháng rồi, hầu hết là người cao tuổi. Đây là lần đầu tiên con số này vượt mức 100 kể từ năm 2018.

Tại Mỹ, hơn 6.000 lính cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt trận cháy rừng được xem là lớn thứ 4 lịch sử bang California. Theo Reuters, vụ cháy bắt đầu gần TP Chico hôm 24-7, hiện thiêu rụi một diện tích hơn 162.200 ha.

Giới chức địa phương cho biết 27% đám cháy đã được kiểm soát tính đến ngày 3-8 trong khi hơn 560 ngôi nhà và các công trình khác đã bị thiêu rụi. Thời tiết nóng và gió mạnh đã cản trở nỗ lực dập lửa những ngày qua.