Đến sáng 17-11, nước đã rút dần ở TP Huế, Nha Trang. Thế nhưng niềm vui mới nhóm, người dân lại tiếp tục lo lắng khi đài khí tượng thủy văn thông báo trong những ngày tới khu vực này sẽ tiếp tục mưa lớn.
Mưa kéo dài khiến TP Huế ngập nặng những ngày qua. Ảnh: QUANG TÁM
Nông thôn nhẹ hơn đô thị
Sáng 15-11, nghe đài báo mưa lớn, Nha Trang ngập nặng vội gọi điện hỏi thăm người bà con ở Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Giọng anh tỉnh bơ: “Ừ thì mưa lớn, ngập mấy chỗ nhưng ngớt mưa thì rút à. Nghe Nha Trang ngập mà thương, đồ đạc hư hỏng, ô tô ngụp lặn, đến nay 3 ngày rồi mà chưa rút hết”.
Tại Huế cũng thế. Ngập nặng nhất vẫn là khu vực thành phố. Mà đã ngập thì rút rất chậm. Đến nay đã là ngày thứ 4 nhưng nước vẫn chưa rút hết. Còn Đà Nẵng, đợt này không ngập nhưng hơn nửa tháng trước cũng chật vật chạy lũ dù chỉ qua một đợt mưa lớn.
Tất nhiên, ngập lụt là do mưa lũ. Lý do này dễ được sử dụng để giải thích cho những khốn khó mùa mưa. Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nên chuyện mưa lớn là không thể tránh khỏi. Muốn giảm thiệt hại chỉ còn cách ứng phó thích hợp. Nhưng tần suất bị ngập ở các đô thị ngày càng cao, hậu quả ngày càng nặng nên phải nghiêm túc xem xét lại các quy hoạch đô thị, mật độ xây dựng và quan trọng nhất là hạ tầng thoát nước đã hoàn thiện hoặc đáp ứng được nhu cầu phát triển nóng hiện nay.
Đơn cử như vào tháng 11-2021, Nha Trang bị ngập nặng 2 đợt, gây thiệt hại lớn. Các chuyên gia xây dựng cảnh báo rằng tốc độ xây dựng ở TP Nha Trang quá nhanh, mật độ quá cao và thường án ngữ dọc bờ biển, cạnh sông. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước không đồng bộ, chưa được xây dựng đúng tầm để thỏa mãn các điều kiện thoát nước cho một thành phố đang phát triển. Những cảnh báo này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và thực tế chưa được khắc phục.
Rất nghịch lý là những thành phố trên nằm sát biển và cạnh những vùng đầm phá chứa nước lớn. Thế nhưng con đường tiêu thoát nước lại rất chậm chạp nên thường bị ngập sâu và lâu.
Túi ni-lông được dùng bảo vệ ô tô trước mưa lũ. Ảnh: QUANG TÁM
Sống chung với… ngập
Ngay trong đợt mưa vừa qua, một cư dân ở Huế đưa lên mạng internet kinh nghiệm chống ngập cho ô tô 4 chỗ của mình. Do mưa gấp, anh dùng tấm bạt nhựa dùng để phơi lúa đặt dưới sàn cho xe chạy lên. Sau đó cột dây vào bốn góc kéo trùm lên xe. Nước ngập vào tầng trệt nhà anh gần 1 m nhưng không thấm vào ô tô của anh. Kinh nghiệm này nhanh chóng được các cư dân mạng học hỏi và chia sẻ.
Sống ở nông thôn, trước khi bị ngập, người dân lo đưa xe máy, ô tô lên vùng đất cao hơn. Còn ở đô thị, vấn đề này nan giải. Khi nghe đài khí tượng dự báo mưa lớn, ai có ô tô vội vã đưa xe ra khỏi các hầm ở các cao ốc. Kinh nghiệm này được rút ra sau các đợt mưa lớn những năm trước, khi hầm cao ốc bị ngập, toàn bộ xe hư hỏng.
Khổ nổi, có nhiều đợt ngập toàn thành phố như vừa qua, kiếm một chỗ cao ráo quá khó khăn nên một số doanh nghiệp cho ra sản phẩm mới: túi nhựa chống ngập cho ô tô. Nguyên lý rất đơn giản, như một túi nhựa thông thường, căng túi ra cho ô tô đi vào rồi kéo dây khóa lại gài trên nóc. Túi chống ngập này đã vượt ngoài dự tính của các nhà sản xuất ô tô. Từ túi nhựa cho ô tô, thị trường đã có thêm túi cho máy giặt, tủ lạnh, xe máy… Âu cũng là thích nghi. Thích nghi một cách miễn cưỡng.
Nhà tại một số đô thị ở miền Trung hiện nay, tầng trệt thường dùng như khu tạm, để xe và vật dụng dễ di dời. Những đồ quan trọng đều đặt ở trên gác, tầng lầu. Nhiều gia đình đã sắm ghe, xuồng…