Tận dụng lợi thế

Cho dù ngẫu nhiên nhiều hơn là chủ ý, song sự trùng hợp về thời điểm của chuyến thăm Ba Lan, Ukraine của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chuyến đi Nga, Belarus của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong tuần này đều có tác động đến chính trị an ninh châu lục chứ không chỉ đơn thuần là quan hệ song phương.

Ông Modi là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tới thăm Ba Lan sau 45 năm và tới thăm Ukraine sau gần 35 năm. Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời với Nga. Ông Modi luôn giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nhà lãnh đạo này lại còn vừa tới thăm Nga hồi tháng 7, không lâu sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba liên tiếp.

 Xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt và quân đội Ukraine thậm chí còn lần đầu tiên tiến sâu vào lãnh thổ Nga ở vùng Kursk. Ba Lan thuộc diện những thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO ở châu Âu hậu thuẫn Ukraine nhiệt tình nhất.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô Kiev hôm 23-8. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô Kiev hôm 23-8. Ảnh: REUTERS

Mỹ, EU và các nước phương Tây khác rất tranh thủ Ấn Độ, tìm mọi cách vận động Ấn Độ về cùng phe để đối phó Nga và Trung Quốc, phân rẽ Ấn Độ với Nga và Trung Quốc, ngăn cản Ấn Độ gây dựng vai trò dẫn dắt, tập hợp các quốc gia được kể tên chung vào khối Phương Nam toàn cầu trở thành đối trọng với phương Tây. 

Nói theo cách khác, Ấn Độ có nhiều lợi thế riêng để tạo ảnh hưởng quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, qua đó nâng cao vị thế của Ấn Độ trong chính sách của nhiều đối tác bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, EU, Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, lý do chính cho chuyến đi Moscow của ông Lý Cường là phiên họp định kỳ giữa chính phủ Nga và chính phủ Trung Quốc. Khuôn khổ trao đổi tham vấn này được hai bên thiết lập năm 1996. Quan hệ hợp tác giữa hai nước hiện rất tốt đẹp và Trung Quốc luôn ở cạnh Nga trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. 

Trong bối cảnh tình hình chung như thế, chuyến đi Nga của thủ tướng Trung Quốc có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga. Bằng cách thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với Nga, Trung Quốc đề cao được vị thế trong chính sách của Nga, nâng cao được cái giá mà phương Tây phải trả để tranh thủ Trung Quốc.

 Phương Tây còn muốn phân rẽ Bắc Kinh với Nga và đặc biệt là ngăn cản Trung Quốc trở thành đồng minh quân sự của Nga trong những chuyện liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây.

Cho nên có thể thấy cả ông Modi lẫn ông Lý Cường đều tận dụng những lợi thế hiện có của Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến tình hình Ukraine và dùng các chuyến công du để củng cố và tăng cường những lợi thế ấy. 

Một trong những mục tiêu lớn mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều cùng nhằm đến là gây dựng vai trò và ảnh hưởng quyết định trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho khủng hoảng Ukraine. 

Ấn Độ và Trung Quốc đều vừa có thể tác động tới Nga vừa có thể ảnh hưởng tới các quốc gia phương Tây hậu thuẫn Ukraine. Tác động chính trị thế giới và chính trị an ninh châu Âu của các chuyến đi trên quan trọng không kém hiệu ứng thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương.