Rục rịch tăng lãi suất huy động

Ngân hàng (NH) mạnh tay huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm thông thường. Thị trường lo ngại tín hiệu này có thể kéo theo làn sóng lãi suất đi lên, dẫn đến chi phí đầu vào của NH tăng buộc phải điều chỉnh lãi suất cho vay.

Cuộc đua chứng chỉ tiền gửi

NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây đã phát hành 5.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi, kỳ hạn 7 năm, lãi suất 7,1% cố định trong năm đầu tiên. Lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường.

Theo đó, chứng chỉ tiền gửi của Sacombank có mệnh giá 1 triệu đồng. Tiền gốc được thanh toán một lần khi đến hạn và tiền lãi được trả định kỳ mỗi năm. Điểm đáng chú ý là người mua chứng chỉ tiền gửi Sacombank được rút một phần hoặc toàn bộ vốn trước hạn, được chuyển nhượng, cầm cố để vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Tương tự, NH TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất cố định 8%/năm, kỳ hạn lên tới 85 tháng. Đặc biệt, chứng chỉ tiền gửi của PVcomBank có mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, khách hàng được trả lãi hằng tháng thay vì định kỳ hằng năm như thông thường. Điều này đồng nghĩa sau khi nhận lãi hằng tháng, chủ nhân của chứng chỉ tiền gửi có thể tiếp tục gửi tiết kiệm để tăng thêm số tiền lãi. Tính ra, người mua chứng chỉ tiền gửi PVcombBank có lãi suất thực tế cao hơn so với mức lãi suất 8%/năm do NH ấn định.

Song song với việc phát hành chứng chỉ tiền gửi, nhiều NH còn rục rịch tăng lãi suất tiền gửi sau thời gian đua nhau hạ thấp. Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy từ đầu tháng 9 đến nay, có ít nhất 6 NH thương mại tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn. 

Trong đó, mới nhất là NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 – 2 tháng thêm 0,2 điểm %, lên 2%/năm; lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 3 – 5 tháng tăng thêm 0,3 điểm %, lên 2,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 – 9 tháng được điều chỉnh tăng nhẹ 0,1 điểm %, lên 3,3%/năm.

Báo cáo phân tích mới nhất của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra nguyên nhân các NH tăng lãi suất huy động và thu hút vốn qua các kênh khác như chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao là nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác. Nhóm phân tích MBS cho rằng lãi suất tiền gửi đi lên còn do tín dụng tiếp tục tăng khi nhu cầu vốn thường tăng tốc mạnh trong những tháng cuối năm.

Rục rịch tăng lãi suất huy động- Ảnh 1.

Nhu cầu vốn cuối năm tăng cao được cho là nguyên nhân thúc đẩy các ngân hàng rục rịchtăng lãi suất huy động. Ảnh: Lam Giang

Khách hàng lo lãi suất vay tăng

Trước những thông tin về lãi suất tiền gửi tăng, một số người đã hoặc chuẩn bị vay tiền NH để mua nhà, chi tiêu hoặc kinh doanh lo ngại lãi suất đầu ra có thể tăng trở lại trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Trần Tấn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT NH TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho hay tùy theo cơ cấu vốn của từng NH mà NH sẽ quyết định điều chỉnh lãi suất hay không. Bởi lẽ, nếu cầu tín dụng tăng mạnh, NH buộc phải tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài để thu hút người gửi hoặc NH dự báo lãi suất tiền gửi sẽ đi lên trong tương lai nên quyết định tăng trước nhằm đón đầu xu hướng thị trường. 

“Riêng lãi suất cho vay có tăng hay không thì phụ thuộc chi phí đầu vào của NH. Giả sử NH tăng lãi suất tiền gửi dài hạn nhưng đồng thời huy động được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn giá “bèo” thì chi phí đầu vào của NH không tăng, khi đó lãi suất cho vay vẫn ổn định. 

Ngược lại, NH cần vốn dài hạn nên phải huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có các kênh thu hút tiền gửi giá mềm khác thì sẽ làm chi phí đầu vào tăng cao, lúc đó lãi suất cho vay chắc chắn sẽ tăng theo” – ông Lộc phân tích và nhận định.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phân tích Công ty Chứng khoán NH Ngoại thương (VCSB), nhận định lãi suất huy động có thể còn tăng nhằm bảo đảm sức hấp dẫn của VNĐ nhưng chưa tạo ra cuộc đua lãi suất, do hấp thụ tín dụng của nền kinh tế còn chậm. Theo đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ không có nhiều biến động trong nửa cuối năm 2024. Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa từng ngành nghề và mức độ rủi ro của từng NH.

Nhìn ở góc độ khác, chuyên gia tài chính – NH Nguyễn Trí Hiếu băn khoăn trong bối cảnh tín dụng tăng không mạnh nhưng các NH vẫn tăng lãi suất tiền gửi hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao là vấn đề đáng quan tâm. 

Theo ông, có thể do nợ xấu đang tăng, một số NH không thu hồi được vốn, thanh khoản có phần sụt giảm nên phải tăng lãi suất tiền gửi để thu hút vốn, ổn định dòng tiền ra vào. Việc này có thể làm cho chi phí kinh doanh của NH tăng lên, kéo lãi suất cho vay tăng theo.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó đồng nghĩa các NH thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều. Mặc dù tiền gửi phải tăng lên để trả lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm thì chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra sẽ thu hẹp. 

Tín dụng bất động sản tăng cao

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết 7 tháng đầu năm 2024, tín dụng chung trên địa bàn thành phố tăng 3,9%, song tốc độ tăng của tín dụng bất động sản lên đến 5,5%; trong đó, cho vay nhà ở (gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở khác) chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 57% tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.

Dư nợ cho vay nhà ở xã hội tăng 78% so với cuối năm 2023 khi các NH đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất – kinh doanh như: phát triển hạ tầng khu công nghiệp – khu chế xuất, cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… đều đạt tốc độ tăng trưởng khá.

“Những kết quả về hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường. Thế nên, một số NH đang tăng cường thu hút tiền gửi để triển khai các phương án cho vay sắp tới, tạo đà tăng dư nợ cho vay trên mọi lĩnh vực” – ông Lệnh nói.