Những vấn đề lớn của thương mại điện tử

Ngày 11-11, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS), Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM), Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL), Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng nhiều tổ chức, DN liên quan tổ chức Diễn đàn TMĐT TP HCM và công bố “Sáng kiến thành lập Liên minh TMĐT – Phát triển bền vững”.

Từ trường hợp của Temu

Phát biểu đề dẫn diễn đàn, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng HIDS, nêu gần đây sàn TMĐT Temu vào Việt Nam gây ra rất nhiều tranh cãi, lo lắng nhưng khi hồi tâm lại thì DN Việt vẫn có khả năng cạnh tranh nếu tập trung giải quyết các vấn đề nội tại. 

Ông nêu một số định hướng mà TP HCM sẽ tập trung trong thời gian tới để phát triển TMĐT như: cải thiện logistics dành cho TMĐT để rút ngắn thời gian giao hàng, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cho sự phát triển và đặc biệt là hỗ trợ các ngành sản xuất bởi đây là xương sống của quốc gia. “Chúng tôi đang phối hợp cùng Công đoàn để triển khai mô hình livestream ngay tại nhà máy để nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt” – ông Vũ chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM, kể ông nhận được rất nhiều câu hỏi về trường hợp Temu nhưng bản thân ông thấy chưa phải là vấn đề đáng lo và thực tế đến hiện nay mọi việc đã yên ổn trở lại. “Bản thân tôi cũng đặt 3 đơn hàng từ Temu để xem cách họ vận hành và học hỏi. Mỗi đơn hàng chỉ 100.000 – 200.000 đồng thì không phải vấn đề gì. Từ chiến dịch này, họ được hàng triệu người dùng ở Việt Nam biết đến” – ông Dũng nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn của TMĐT hiện nay là phát triển bền vững, là xanh hóa theo lộ trình Net Zero và câu chuyện của nhà sản xuất sao cho phù hợp với tình hình mới. Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, cũng thừa nhận hiện nay Temu chưa phải chuyện lớn, TikTok chưa thấy sự ảnh hưởng. 

“Vấn đề hiện nay là sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), chỉ 1-2 năm tới ngôn ngữ không còn là rào cản. Nhà sáng tạo nội dung nước ngoài có thể livestream bằng tiếng bản địa và người dùng Việt Nam nghe hiểu bình thường do AI chuyển ngữ và đặt hàng về Việt Nam. Do vậy, vấn đề lớn hiện giờ là nâng cao năng lực của DN về sản xuất, thương mại, đóng gói như thế nào để phù hợp với sự tăng trưởng của TMĐT” – ông Thanh nói.

Những vấn đề lớn của thương mại điện tử- Ảnh 1.

“Chiến thần” Phạm Thoại trong buổi mega live suốt 14 giờ của TikTok

Cơn sóng livestream

Cũng theo đại diện TikTok tại Việt Nam, livestream hiện nay không còn là “trend” (xu hướng) mà đã đi vào thực tế cuộc sống. Ông cho hay trên TikTok hiện có 3,7 triệu tổ chức, cá nhân phát sinh doanh thu (nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết) với hàng chục triệu người mua hàng nên cần tập trung tạo môi trường lành mạnh, bảo vệ người dùng và nhà bán chân chính. 

“TikTok tại Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ lên sàn, trong đó có gói hỗ trợ 1 triệu USD dành cho 10.000 DN nhưng mới hỗ trợ 6.800 DN nên chúng tôi đang chạy đua để giải ngân trong hết năm nay theo cam kết với TikTok toàn cầu” – ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng cũng nhìn nhận thời điểm hiện tại, nhà bán hàng nào chưa thực hiện livestream, sản xuất video là chậm chân trên thị trường bởi xu hướng mua sắm kết hợp giải trí đang bùng nổ. Ông Dũng kể ông cũng xem livestream và bị cuốn hút bởi các nhà sáng tạo nội dung (KOL/KOC), rồi bấm nút mua dù 5 món hàng thì 4 món không xài tới.

Cũng liên quan đến hoạt động livestream, ông Dũng cho hay VECOM vừa thành lập Chi hội KOL/KOC như là một phần không thể thiếu của TMĐT còn trước đây VECOM chỉ kết nạp hội viên là DN. 

“Thời gian vừa qua, có nhiều bức xúc liên quan đến các KOL/KOC. Có công ty truyền thông nói với tôi rằng họ rất không hài lòng với tất cả các KOL/KOC khi họ trở nên nổi tiếng. Nhưng theo góc nhìn của tôi, livestream bán hàng cũng như trong lĩnh vực điện ảnh, những diễn viên tạo ra doanh thu vài trăm tỉ đồng thì họ cũng phải có đặc quyền” – ông Dũng nói.

Theo Chủ tịch VECOM, nhìn ra thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, các KOL/KOC lệch chuẩn sẽ bị “phong sát” và không thể xuất hiện trên bất cứ nền tảng nào. Việt Nam hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có danh sách đen, KOL/KOC nào vào danh sách này sẽ bị “bốc hơi” khỏi TikTok, Shopee, Lazada,… Do đó, để tồn tại lâu dài, KOL/KOC cần hành xử chuẩn mực và nghiêm túc với nghề. 

Khuyến mãi “khủng” nhất năm

Diễn đàn TMĐT diễn ra đúng dịp 11-11 hay còn gọi là ngày đôi, ngày độc thân, ngày siêu sale. Trong ngày này, các sàn TMĐT đã đầu tư rất lớn cho các chương trình ưu đãi nhằm khẳng định đây là dịp khuyến mãi lớn và vui nhất năm. Bên cạnh các giảm giá sâu, tặng voucher, miễn phí vận chuyển… các sàn đều đẩy mạnh hoạt động livestream, mời các KOC/KOL, diễn viên, người nổi tiếng… tham gia bán hàng suốt thời gian dài nhằm thu hút khách hàng.

Điển hình là Shopee, sàn TMĐT chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam, tổ chức chương trình Shopee Live “Siêu sao đỉnh nóc” với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng hiện nay như: ca sĩ Quốc Thiên, ca sĩ Thanh Duy và host Duy Khánh, BB Trần, Jun Phạm, Ngô Kiến Huy, Lê Dương Bảo Lâm, Chi Pu,…

TikTok Shop năm nay đầu tư khu nhà livestream trong suốt và khổng lồ ngay tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) kết hợp sân khấu biểu diễn ca nhạc để người dân có thể quan sát “hậu trường” một phiên livestream. Phiên megalive này kéo dài 14 giờ do Phạm Thoại dẫn dắt và duy trì lượt xem liên tục từ 10.000 – 50.000 người xem. Dịp này, các “chiến thần livestream” như: Hà Linh, Hằng Du mục, Bác sĩ Cung,… cũng tổ chức live với nhiều khuyến mãi sâu.

Dù các sàn chưa công bố doanh số ngày 11-11 nhưng theo một số ý kiến, con số sẽ không hề nhỏ, thậm chí tăng trưởng mạnh so với các năm trước.