Nghề dạy học đang chịu quá nhiều áp lực

Tôi có gần 20 năm gắn bó với nghề giáo. Và mọi vui buồn sướng khổ của nghề ít nhiều tôi cũng đã từng trải nghiệm. Nghề giáo nói là không thú vị thì chẳng ai tin. Nhưng nói là thú vị thì chắc đồng nghiệp lại ngấm nguýt, bảo mình là người của thiên cổ.

Những khoảnh khắc hạnh phúc

Với truyền thống tôn sư trọng đạo, nghề giáo từ xưa đến nay luôn được xã hội quan tâm và tôn kính. Thực tế, các thầy cô giáo luôn nhận được những niềm vui, niềm hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng có được. Đó là những khoảnh khắc được chứng kiến học trò mình lớn khôn, thành đạt. Đó là những khoảnh khắc được phụ huynh, học trò tri ân trong ngày lễ trọng đại như ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết âm lịch… Chúng tôi được đón nhận tình cảm từ những nụ cười tươi tắn nhất, từ những tấm lòng biết ơn chân thành và tôn kính nhất từ phía phụ huynh, từ phía học trò.

Hơn mười năm trước, có một cậu học trò, học tôi mỗi năm lớp 10, vì em ấy bị ở lại lớp. Rồi sau, em ấy bỏ học, phần vì nhà nghèo, phần vì chán nản bởi “đúp” lớp. Việc em ấy bỏ học làm tôi day dứt mãi, cho rằng lỗi tại tôi, rằng nếu tôi vớt được em ấy lên lớp 11 thì mọi chuyện đã khác. Em ấy từng làm nhiều nghề, đi xe bò, làm xe ôm, lái xe thuê, cửu vạn, sửa chữa xe đạp, xe máy… Tôi nhớ những buổi mình đi dạy về, gần 12 giờ trưa, trời nắng chang chang, gặp em ấy ngồi trên xe bò kéo, với cái nón đội sùm sụp trên đầu gần như muốn tránh mặt, gần như không muốn chào thầy giáo, nhưng tôi còn cúi mặt nhanh hơn vì không thể chịu nổi cảm giác day dứt như là ân hận khi nhìn em ấy. Tính từ thời gian ấy đến nay, em ấy chưa từng có một lần hỏi thăm tôi. Nhưng tôi thường xuyên hỏi thăm em ấy qua những bạn học cũ của em. Bất ngờ một hôm, em ấy gọi điện và mời tôi đến thăm nhà. Ngôi nhà 3 tầng mới xây, khang trang, đồ gỗ trong nhà đẹp đẽ. Ngôi nhà của hai vợ chồng trẻ, cùng 2 đứa con. Em ấy nắm tay tôi và khóc “vì thầy đã đến! Thầy đã không quên em! Thế mà em nghĩ mãi mới dám gọi vì chỉ sợ thầy không đến”. Em ấy khóc vì biết là “thầy đã từng nghĩ nhiều đến em, đã từng hỏi thăm em”. Còn tôi xúc động rưng rưng vì mừng cho hạnh phúc đủ đầy của em ấy.

Nhưng bên cạnh những niềm hạnh phúc đó, phải thành thực công bằng rằng nghề giáo trong giai đoạn hiện nay đang phải chịu rất nhiều áp lực. Áp lực từ chính sự đòi hỏi phải không ngừng đổi mới sáng tạo của nghề dạy học. Áp lực nảy sinh từ sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh, học sinh. Áp lực từ chính cuộc sống mưu sinh của các thầy cô…

Nghề dạy học đang chịu quá nhiều áp lực - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trách nhiệm nặng nề

Nghề giáo là nghề phải gánh vác nặng nề, như phụ huynh luôn nói “trăm sự nhờ thầy cô ạ!”. Câu nói ấy cũng đã cho thấy sự kỳ vọng lớn lao như thế nào của các bậc phụ huynh đối với các thầy cô giáo. Giáo viên cứ ngỡ mình chỉ gánh vác “1 cái sự dạy kiến thức” là đã quá nặng nề rồi. Vậy mà, còn thêm “99 sự nữa”. Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ sao? Bạn có mang vác được không? “Gánh” ấy còn “nặng” thêm nữa, bởi thầy cô giáo kiêm luôn quan tòa, phân xử mọi chuyện ở lớp cho công bằng từ những hờn giận trẻ con, phân công vệ sinh trực nhật…thậm chí cả “vì sao bố mẹ em lại cãi nhau hả cô/ thầy?”.

Học sinh trong thời đại 4.0 cũng vô cùng phức tạp. Chúng bị ảnh hưởng của thế giới mạng với các trào lưu (phần lớn không lành mạnh). Chúng bị kích động bạo lực bởi phim ảnh. Chúng có thể không làm chủ được bản thân, bị nhiều cái xấu lôi kéo. Chúng dễ bị rơi vào lối sống không lành mạnh bởi thứ văn hóa phẩm đồi trụy, văn hóa coi trọng vật chất… Giáo dục học sinh tránh khỏi những cám dỗ ngoài xã hội trong cuộc sống hiện thời là trách nhiệm của mọi thầy cô giáo. Đó thực sự là một thách thức mang tính thế hệ đối với các thầy cô giáo, đặc biệt là đối với những cô thầy yêu nghề, có trách nhiệm cao với nghề.

Khách quan mà nói, mọi ngành nghề đều có tính đặc thù. Nhưng nghề giáo có lẽ là một trong những nghề tính đặc thù lại tạo ra áp lực nhiều nhất cho người theo nghề. Nghề giáo với đặc thù lên lớp vào ban ngày và soạn giáo án vào buổi tối. Do đó, thời gian dành cho nghỉ ngơi, dành cho gia đình là rất hiếm.

Nghề giáo luôn đòi hỏi người giáo viên phải học tập không ngừng để kịp nắm bắt, tiếp nhận các kiến thức mới. Có được kiến thức rồi, giáo viên lại phải tự tìm tòi, thể nghiệm các phương pháp dạy học phù hợp vào quá trình giáo dục để truyền đạt đến học trò một cách hiệu quả nhất.

Không dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, người giáo viên còn phải có nhiệm vụ giáo dục học sinh “nên người”, nghĩa là giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho học trò. Điều này đòi hỏi giáo viên phải luôn là người nêu gương và mẫu mực về mọi mặt. Từ lời ăn tiếng nói đến hành động luôn phải mẫu mực để học trò noi theo. Cách ứng xử với học trò, phụ huynh cũng phải nhẹ nhàng, tinh tế. Đây cũng là áp lực với nhiều giáo viên, nhất là các giáo viên mới ra trường còn ít kinh nghiệm hay những giáo viên có tính cách nóng nảy.

John Steinbeck từng nói: “Một thầy giáo tuyệt vời cũng chính là một nghệ sĩ tuyệt vời và trên thế giới chỉ có số ít những người như vậy. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần”.

Xã hội muốn phát triển thì không ngừng phải đổi mới, nhất là ở lĩnh vực giáo dục. Nhưng chính sự tiên phong trong việc đổi mới, sáng tạo cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên đã lớn tuổi. 

Áp lực từ “cơm áo gạo tiền”

Thu nhập thấp, đồng lương “còm cõi” chưa đáp ứng được cuộc sống cho đại đa số giáo viên là một áp lực lớn – áp lực mang tên “cơm áo gạo tiền”. Giáo viên chưa sống được bằng lương của mình thì họ phải làm thêm đủ công việc nhằm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, để lo cho con em mình bằng bạn, bằng bè vì họ có thể sống thanh cao nhưng con họ đi học thì luôn cần tiền. Do đó, dù công việc trường lớp luôn bận rộn nhưng phần lớn thầy cô đều phải tìm thêm nghề… “tay trái” để có thêm thu nhập. Bao giờ giáo viên sống thanh thản bằng đồng lương của mình – nhất là những giáo viên trẻ, giáo viên công tác xa quê vẫn là câu hỏi khó trả lời nhất trong hàng chục năm qua. Chừng nào bài toán về cải cách tiền lương cho giáo viên chưa được giải quyết thì áp lực về “cơm áo gạo tiền” vẫn sẽ còn đè nặng lên đôi vai của người thầy.