Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài gần 3 năm qua nhưng chưa có hồi kết, thậm chí đang có những bước leo thang nguy hiểm.
Moscow sáng 21-11 lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Oreshnik để tập kích vào một cơ sở sản xuất tên lửa và quốc phòng ở TP Dnipro – Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin Nga sau đó tuyên bố Nga phóng tên lửa “không thể đánh chặn” nhằm trả đũa việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga hôm 19 và 20-11.
Trước diễn biến đó, Mỹ có thể sớm thúc đẩy kế hoạch chuyển giao tên lửa tấn công Tomahawk cho Ukraine, theo nhận định của giới quan sát.
Nghị quyết của Đại hội đồng Nghị viện NATO hôm 27-11 đã kêu gọi các nước thành viên liên minh cung cấp tên lửa có tầm bắn 1.000 – 5.000 km cho Ukraine theo quy định của Hiệp ước về Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
RT cho hay trước đề nghị của Đại hội đồng Nghị viện NATO, Mỹ và các đồng minh có thể sẽ sớm thúc đẩy kế hoạch chuyển giao tên lửa tấn công Tomahawk cho Ukraine.
Dù có sự đồng thuận của Đại hội đồng Nghị viện NATO, kế hoạch viện trợ tên lửa tầm trung cho Ukraine vẫn chưa được quốc gia nào đứng ra cam kết viện trợ.
Hệ thống tên lửa tầm trung có sẵn ở phương Tây là Tomahawk do Mỹ sản xuất, còn lại chỉ có vài quốc gia thuộc liên minh NATO sở hữu tên lửa có tầm bắn hơn 1.000 km.
Một giải pháp thay thế là Washington có thể cân nhắc cung cấp tên lửa JASSM-ER có tầm bắn khoảng 1.000 km và có thể triển khai từ máy bay chiến đấu F-16.
Các chuyên gia nhận định nếu Mỹ chuyển giao tên lửa Tomahawk hay JASSM-ER cho Kiev có thể dẫn tới leo thang đáng kể xung đột. Nga khi đó sẽ phản ứng mạnh mẽ – có thể kéo Mỹ và NATO vào cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.
Một số nhà phân tích cho rằng động thái này là một phần trong chiến lược lớn hơn của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm “làm phức tạp vấn đề hết mức có thể” cho chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump.