Cứ theo quả quyết của phía CHDCND Triều Tiên thì sau 2 lần thất bại, nước này hôm 21-11 đã phóng thành công vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo quay quanh trái đất. Vệ tinh này đã gửi về những bức ảnh đầu tiên chụp căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam.
Nhật Bản và Hàn Quốc đều xác nhận vệ tinh của Triều Tiên đã được đưa thành công lên quỹ đạo nhưng tỏ ra chưa thật tin là vệ tinh này hoạt động tốt như Bình Nhưỡng mong đợi. Phía Hàn Quốc còn đồn đoán rằng vụ phóng trên không thất bại nhờ có sự trợ giúp đắc lực của Moscow sau chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào mùa hè vừa qua.
Trong chính trị và an ninh thế giới, mọi sự mập mờ đều có hiệu ứng riêng, nhiều khi còn gây ra nhiều hệ lụy khôn lường hơn cả sự xác thực.
Dù sự thật trong chuyện này có thế nào thì không thể phủ nhận Triều Tiên đã phóng vệ tinh thành công và đấy là bước tiến có ý nghĩa và tác động vô cùng quan trọng đối với cái gọi là “Chiến lược 3 chiều” của Triều Tiên: vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa và vũ khí trong không gian vũ trụ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung tâm Điều khiển tổng hợp Bình Nhưỡng thuộc Cục Công nghệ Hàng không Vũ trụ quốc gia, trong bức ảnh được hãng thông tấn KCNA công bố hôm 25-11 Ảnh: KCNA
Mối quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản giờ thêm căng thẳng, trắc trở, phức tạp và nhạy cảm, đặc biệt giữa hai miền Triều Tiên. Trước thềm vụ phóng, chính phủ Hàn Quốc đã gây áp lực bằng tuyên bố nếu phía Triều Tiên không đổi ý thì Seoul sẽ ngừng thực hiện Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA).
Thỏa thuận này được 2 nước ký kết vào tháng 9-2018 nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự cũng như gây dựng lòng tin lẫn nhau. Sau vụ phóng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thực hiện tuyên bố trên. Ngay sau đó, Triều Tiên quyết định rút hẳn khỏi CMA.
Đối với mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, bước lùi nói trên đã hủy hoại hoặc ít nhất cũng đảo ngược gần như tất cả tiến triển tích cực đã đạt được cho đến nay. Bước tiến của một bên và bước lùi của hai bên này làm thay đổi tương quan lực lượng quân sự và cục diện chính trị – an ninh giữa các đối tác liên quan trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á.
Chúng phản ánh một thực trạng gây quan ngại sâu sắc chung cho cả trong lẫn ngoài khu vực là suốt thời gian vừa qua, lòng tin lẫn nhau giữa Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản không được gây dựng, củng cố hoặc tăng cường mà tiếp tục suy giảm, thậm chí còn bị đổ vỡ.
Việc khôi phục lại những gì đã bị đảo ngược sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian, việc tạo nên những bước chuyển mới càng thêm khó khăn.
Rồi đây tại khu vực này, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên minh quân sự và an ninh, tăng cường thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trên thực địa để đối phó Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên sẽ tăng cường hợp tác, liên kết với Trung Quốc và Nga trên những phương diện có thể được.
Và chắc rồi Triều Tiên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược đang theo đuổi lâu nay là phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như công nghệ không gian, vũ trụ. Dù vậy, hai phe đều sẽ tự kiềm chế để không xảy ra đụng độ quân sự.