• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Mẫu vật đáng sợ tiết lộ nguồn gốc “hành tinh quái thú”

Mẫu vật đáng sợ tiết lộ nguồn gốc “hành tinh quái thú”

Trong suốt “kỷ nguyên quái thú” của địa cầu – kéo dài suốt 3 kỷ địa chất Tam Điệp, Jura, Phấn Trắng – loài khủng long cũng như dực long trên trời hay thương long, ngư long dưới nước đã có sự tiến hóa đáng kinh ngạc về kích thước lẫn sự đa dạng.

Chúng được cho là xuất hiện lần đầu vào giữa kỷ Tam Điệp, kích thước nhỏ bé cỡ con thằn lằn hoặc chỉ hơn một chút, chia sẻ môi trường sống với nhiều loài cổ đại khác.

Vào 2 kỷ Jura – Phấn Trắng tiếp theo, trong khi nhiều lớp động vật khác liên tục bị thay thế trong các sự kiện tuyệt chủng, những con bò sát này vẫn tồn tại mạnh mẽ, ngày càng đông đảo và lớn hơn.

Cuối kỷ Phấn Trắng, chúng ta có một hành tinh ngập tràn quái thú khổng lồ, với những con thằn lằn hộ pháp nặng hàng chục tấn, những con dực long sải cánh trên 10 m…

Sức mạnh ẩn đằng sau sự bành trướng đáng kinh ngạc đó vừa được tiết lộ thông qua loại hóa thạch sẽ khiến bạn nhăn mặt: Các bãi nôn và phân khủng long.

Mẫu vật đáng sợ tiết lộ nguồn gốc "hành tinh quái thú"- Ảnh 1.

Bộ xương khổng lồ của một con thằn lằn hộ pháp (titanosaurus) – Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN MỸ

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Uppsala (Thụy Điển) đã tìm kiếm các loại hóa thạch đó từ hơn 500 địa điểm thuộc lưu vực Ba Lan, vốn chứa tàn tích các loài quái thú từ kỷ Tam Điệp đến kỷ Jura.

Chất nôn và phân khủng long hóa thạch – được gọi là regurgitalite và coprolite – thực ra có thể cung cấp rất nhiều thông tin, theo nhà sinh học tiến hóa Martin Qvarnström, đồng tác giả.

Các thông tin đó bao gồm chế độ ăn, hành vi ăn uống, sinh lý cho đến các ký sinh trùng sống trong bụng các sinh vật cổ đại.

Các nhà khoa học đã tìm thấy mọi thứ từ những con bọ cánh cứng nhỏ đến cá, xương, răng và tàn tích thực vật còn nguyên vẹn một nửa.

Thậm chí họ tìm thấy cả một mảnh hộp sọ của loài lưỡng cư temnospondyl.

“Không ai có thể đoán được rằng những con temnopsondyl khổng lồ như vậy lại hấp dẫn những kẻ săn mồi. Thực sự rất dễ gãy răng trên một hộp sọ khổng lồ như vậy” – TS Qvarnström nói.

Một mẩu chất nôn khác còn chứa xương của một con cá sấu nhỏ.

Tất cả cho thấy những con quái thú cổ đại này ăn tạp hơn bất cứ sinh vật nào trên địa cầu hiện đại.

Lịch sử tiến hóa đã chỉ ra điều rõ ràng: Loài nào càng ít kén ăn, cơ hội sống sót càng cao.

Đối với dòng dõi bò sát thời tiền sử, điều này đã giúp chúng có cơ hội để sinh tồn mạnh mẽ, ngay cả khi gặp những thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nghiệt khiến các loài khác tuyệt chủng.

Vì ăn được mọi thứ, chúng lúc nào cũng no bụng và đồng thời có cơ hội tiếp tục trở nên ngày một lớn hơn, bành trướng xa hơn đến các vùng đất hoang vu trước đó.

Rất tiếc cho chúng – nhưng có lẽ là may mắn cho chúng ta – những con quái thú đã trở nên quá khổng lồ vào kỷ Phấn Trắng cuối cùng đã không chịu đựng nổi loạt thảm họa tồi tệ bị kích hoạt bởi vụ va chạm tiểu hành tinh Chicxulub 66 triệu năm trước.