Thế giới bên ngoài có phần ngỡ ngàng khi nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong tuần này bật đèn xanh cho chính phủ của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian tiến hành đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran.
Nhưng ông Khamenei lại cảnh báo và đặt ra chỉ giới đỏ cho chính phủ khi đồng thời nhắc nhở: “Đừng đặt hy vọng vào kẻ thù” và “Đừng tin tưởng kẻ thù”.
Có thể hiểu động thái trên của ông Khamenei là Iran thấy đã đến lúc cần và có thể đi vào thương thảo với Mỹ về chương trình hạt nhân nhưng đàm phán sẽ rất khó khăn, không dễ hoặc thậm chí không đạt kết quả gì.
Trong thực tiễn quan hệ quốc tế xưa nay có hai cách tiếp cận đàm phán. Cách thứ nhất là tin cậy lẫn nhau nên mới ngồi vào bàn đàm phán. Cách thứ hai là vừa đàm phán vừa gây dựng lòng tin để cùng thúc đẩy đàm phán đến thành công; dùng việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những gì đã thỏa thuận và cam kết để củng cố và tăng cường lòng tin cho nhau. Trong mọi trường hợp, sự tin cậy qua lại luôn đóng vai trò rất quan trọng và quyết định.
Rõ ràng ông Khamenei không tin cậy Mỹ nhưng lại bất ngờ mở cửa cho đàm phán với Washington. Chủ ý phía sau động thái này là chơi con bài “lời chào cao hơn mâm cỗ” theo phương châm “mời chào” trước đã, còn chuyện “cỗ bàn” tính sau.
Năm 2015, Iran đã ký kết với Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của nước này. Năm 2018, tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump đã đơn phương rút Washington khỏi thỏa thuận kể trên.
Sau khi ông Joe Biden thắng cử và lên cầm quyền, Mỹ và Iran tiến hành nhiều vòng đàm phán thông qua sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU) về thỏa thuận mới nhưng đến nay chưa thành công.
Bước đi mới vừa nêu của nhà lãnh đạo Khamenei là một toan tính sách lược cho Iran trong bối cảnh hiện tại trên thế giới cũng như ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.
Nước Mỹ sắp có cuộc bầu cử tổng thống. Chủ nhân mới của Nhà Trắng, dù là ông Trump hay bà Kamala Harris (hiện là phó tổng thống Mỹ), thì quan điểm chính sách của Washington về vấn đề hạt nhân của Iran cũng sẽ chỉ trở lại thời kỳ ông Trump hay tiếp tục thời kỳ ông Biden.
Iran chủ động mời chào đàm phán thì dù đàm phán không có triển vọng thành công nhưng Iran vẫn được danh và tranh thủ được dư luận trong cũng như ngoài khu vực, qua đó gia tăng áp lực đối với Mỹ. Việc Israel luẩn quẩn trong cuộc xung đột ở Dải Gaza khiến gánh nặng về chính trị, tài chính và quân sự đối với Mỹ ngày càng tăng. Vai trò chính trị an ninh của Iran gia tăng và nổi bật thêm rất đáng kể.
Vấn đề hạt nhân của Iran bị những điểm nóng chính trị, an ninh thời sự trên thế giới làm lu mờ. Ngoài ra, theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA) của Liên Hiệp Quốc, trong những năm gần đây, Iran đã khôi phục và thúc đẩy chương trình hạt nhân, nâng mức độ làm giàu chất phóng xạ urani.
Như thế có nghĩa là Iran đã có được vị thế khác, chủ bài mới nếu ngồi xuống đàm phán với Mỹ. Tổng thống mới của Iran thuộc phái cải cách và ôn hòa nên việc ông Khamenei tỏ ra thiện chí và cởi mở về đàm phán với Mỹ cũng còn nhằm giảm thiểu bất lợi về đối nội đối với chính mình.
Mỹ hiện tỏ ra không coi trọng động thái mới trên của Iran. Nhưng rồi đây, tổng thống mới của Mỹ sẽ phải gấp rút giải quyết với Iran vấn đề này.