• Trang chủ
  • Thời sự
  • Lo lắng trước việc cán bộ câu kết, móc ngoặc với doanh nghiệp để tham nhũng

Lo lắng trước việc cán bộ câu kết, móc ngoặc với doanh nghiệp để tham nhũng

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 21-11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Lo lắng trước việc cán bộ câu kết, móc ngoặc với doanh nghiệp để tham nhũng - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo trước Quốc hội

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 65.259,9 tỉ đồng. Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can­­.

Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số phải thi hành có 4.879 việc, với số tiền hơn 97.261 tỉ đồng; đã thi hành xong 2.264 việc đã thi hành xong hơn 20.405 tỉ đồng.

Trong năm 2023 có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng. Có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng…

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Lo lắng trước việc cán bộ câu kết, móc ngoặc với doanh nghiệp để tham nhũng - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra nội dung này, bên cạnh đồng thuận với những kết quả tích cực mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; một số hạn chế đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, như việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế .

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.

Về đánh giá tình hình tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những kết quả tích cực trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp nhìn nhận tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền… ; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 459 đối tượng

Đối với công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỉ đồng, 1.031 ha đất; kiến nghị thu hồi 166.239 tỉ đồng, 483 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 65.959 tỉ đồng, 548 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.269 tập thể và 8.242 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 404 vụ, 459 đối tượng.