Đây là một chương trình hợp tác đặc biệt giữa Báo Người Lao Động, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cùng đơn vị đồng hành KDI-KDC Education.
Trong bối cảnh phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và xu hướng truyền thông số, việc trang bị kiến thức và kỹ năng ứng xử với báo chí – truyền thông hiện đại là yếu tố cần thiết để duy trì sự cạnh tranh và sáng tạo trong nghề. Để đáp ứng nhu cầu này, Báo Người Lao Động thực hiện chương trình bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng ứng xử với báo chí – truyền thông.
Khóa bồi dưỡng được thiết kế dành riêng cho các hiệu trưởng, hiệu phó – những người đứng đầu các trường THPT trên địa bàn thành phố. Với mục tiêu nâng cao năng lực truyền thông, mở ra cơ hội học hỏi và phát triển từ những chuyên gia, nhà báo giàu kinh nghiệm, giúp các nhà quản lý giáo dục tự tin hơn khi xử lý các tình huống truyền thông phức tạp.
Gần 50 hiệu trưởng, hiệu phó đến từ các trường THPT trên địa bàn TP HCM đã đăng ký tham dự khóa bồi dưỡng.
Phát biểu khai giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, Nhà báo -TS Tô Đình Tuân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết khóa “Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông – báo chí” nhằm cung cấp các kiến thức thực tiễn về nghiệp vụ báo chí, truyền thông và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng. Đây không chỉ là một cơ hội học tập mà còn là dịp để học viên trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và tìm ra những giải pháp hữu ích cho công việc trong thời đại bùng nổ thông tin.
Khóa bồi dưỡng được xây dựng với các nội dung trọng tâm như kỹ năng tiếp xúc, trả lời phỏng vấn báo chí, kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin trong các trường hợp nhạy cảm, xử lý khủng hoảng truyền thông, cách ứng xử với thông tin trên mạng xã hội. Thông qua những kiến thức được chia sẻ, học viên sẽ có thêm hành trang vững chắc để tự tin hơn trong quá trình làm việc và quản lý. Việc cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn không chỉ giúp giảm thiểu những hiểu lầm mà còn củng cố niềm tin của cộng đồng vào giáo dục.
Từ việc xử lý những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, sức khỏe học sinh, đến các sự việc khác có tác động sâu rộng, lãnh đạo nhà trường cần biết cách chủ động cung cấp thông tin, giao tiếp với báo chí một cách chân thành, cởi mở nhưng cũng đầy trách nhiệm. Hiện nay, mạng xã hội là kênh truyền tải thông tin nhanh chóng nhưng cũng có thể trở thành nguồn gốc của tin đồn, những thông tin thất thiệt và thậm chí là khủng hoảng truyền thông nếu không được kiểm soát tốt. Việc hiểu rõ và nắm vững cách thức tương tác trên các nền tảng này sẽ giúp lãnh đạo nhà trường không chỉ phòng tránh các khủng hoảng tiềm tàng mà còn tận dụng chúng để lan tỏa những thông điệp tích cực, hình ảnh đẹp của nhà trường và học sinh.
Cũng tại buổi bồi dưỡng, ông Nguyễn Văn Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới huyện Nhà Bè, cho biết thông qua khóa học thiết thực với nhiều thông tin hữu ích, các lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên sẽ có thêm kỹ năng ứng xử với báo chí-truyền thông đúng cách và hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân về ứng xử với báo chí – truyền thông, một hiệu trưởng trường THPT quận Gò Vấp cho rằng khi nhà trường gặp vấn đề khủng hoảng truyền thông thì việc chia sẻ với báo chí phải có trách nhiệm không tránh né, nhất quán trong cách trả lời, hợp tác với báo chí và kiểm soát cảm xúc để giải quyết vấn đề, cũng như cẩn trọng trong phát ngôn.
Cô Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường Nguyễn Hữu Huân ở Thủ Đức, cho biết thông qua buổi học hữu ích, bản thân có thêm kiến thức về cách xử lý vấn đề khủng hoảng truyền thông đối với trường học, cũng như rút ra được kinh nghiệm trong công tác của bản thân, luôn trung thực, trách nhiệm, thiện chí trong cách giải quyết những tình huống xảy ra với đơn vị.
Kết thúc buổi học, các học viên nhận chứng nhận khóa bồi dưỡng “Kỹ năng ứng xử với Báo chí – Truyền thông” tại Báo Người Lao Động.
Một số hình ảnh tại khóa bồi dưỡng “Kỹ năng ứng xử với báo chí – truyền thông” sáng 23-11 tại Báo Người Lao Động”: