Tôi đã “tiếp cận” với thầy Chu Phạm Ngọc Sơn lần đầu tiên năm 1974 qua quyển sách “Hóa đại cương – Vô cơ” do thầy chủ biên, khi chuẩn bị định hướng học ngành hóa học ở bậc đại học.
Mãi đến năm thứ ba (1979) ở Khoa Hóa Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, tôi mới được học trực tiếp với thầy môn chuyên ngành về “phương pháp phân tích phổ hồng ngoại và cộng hưởng từ hạt nhân”. Nhưng những câu chuyện về người thầy tài giỏi Chu Phạm Ngọc Sơn tôi đã được nghe nhiều thầy cô khác kể lại với niềm kính phục ngay từ khi bước vào giảng đường năm thứ nhất. Chẳng hạn như những năm 1955 – 1960, khi thầy Nguyễn Thanh Khuyến từ Pháp về Khoa học Đại học đường làm giảng nghiệm viên thì thầy Chu Phạm Ngọc Sơn còn là sinh viên nhưng khi thầy Khuyến bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1969 thì thầy Sơn là thành viên hội đồng chấm luận án của thầy Khuyến.
Những năm 1980 – 1995, tình hình đời sống cả nước khó khăn do kinh tế còn bị cấm vận, các bộ môn của khoa hóa phải “tăng gia” tự sản xuất các sản phẩm hóa chất để bán ra thị trường, Bộ môn Hóa vô cơ – Phân tích mà tôi theo đuổi phải làm sản phẩm sản xuất từ nước tương, xà phòng cho đến thuốc tím, thuốc tẩy đường… Bộ môn Hóa Lý của thầy Sơn khi đó có mặt hàng chủ lực là chế biến dầu từ vỏ hạt điều dùng cho sơn mài, không chỉ mang lại phúc lợi thêm cho giảng viên mà còn là kết quả nghiên cứu rất thành công và ứng dụng cho thị trường lúc đó.
Tôi còn có một cơ duyên được làm việc với thầy là đánh máy các giáo trình hóa học. Thời ấy (đến tận những năm cuối 19xx) giáo trình dạng sách in rất hiếm hoi. Thầy cô phải viết tay các giáo trình chưa xuất bản, chuyển đến cho tôi (cũng là trợ lý giáo vụ khoa hóa) đánh máy bằng máy đánh chữ của thế kỷ trước (nay là đồ cổ quý hiếm) trên nền stencil để sau đó in ra giấy bằng kỹ thuật in ronéo. Trước khi in phải chuyển bản giáo trình đã đánh máy trên stencil để thầy cô kiểm tra phê duyệt. Những giáo trình của thầy Sơn đều được thầy duyệt cẩn thận, thậm chí đến thuật ngữ danh pháp hóa học, vốn các thầy rất chặt chẽ.
Năm 1987, thầy Chu Phạm Ngọc Sơn chuyển đến làm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, cũng là nơi thầy đã dốc hết tâm sức và vận động sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở nước ngoài về trang thiết bị hiện đại và hóa chất hiếm để xây dựng trung tâm từ những ngày đầu. Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm được thành lập để phục vụ các mục tiêu kinh tế, khoa học của thành phố nhưng ít ai biết ý tưởng thành lập trung tâm được thôi thúc bởi một sự kiện khủng khiếp vào cuối thập niên 1970 tại TP HCM – nhiều trẻ sơ sinh bị chết sau khi được xoa phấn rôm, nguyên nhân là do sử dụng sản phẩm giả được sản xuất trong nước. Nếu Việt Nam có một trung tâm phân tích thực hiện được phân tích hóa học nhanh chóng thì bi kịch như vậy đã không xảy ra.
Công lao của thầy Sơn để lại cho đời không thể kể hết. Biết bao công trình nghiên cứu của thầy và nhóm nghiên cứu đã được ứng dụng. Biết bao thế hệ học trò không chỉ học thầy ở kiến thức mà còn ở phong cách và phương pháp làm việc…
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã qua đời sáng 11-8 tại TP HCM, thọ 89 tuổi. Lễ nhập quan lúc 7 giờ ngày 14-8; lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ ngày 14-8; lễ truy điệu lúc 7 giờ 30 phút ngày 16-8; lễ động quan lúc 8 giờ ngày 16-8; sau đó an táng tại Nghĩa trang Chính sách TP HCM (huyện Củ Chi).
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn sinh ngày 10-4-1936 tại Sài Gòn; nguyên quán: tỉnh Hưng Yên. Năm 1954, ông theo học tại Đại học Khoa học Sài Gòn. Năm 1955, ông xin vào phòng hóa học của trường làm nghiệm chế viên. Năm 1957, ông đỗ cử nhân lý hóa, được giữ lại làm giảng nghiệm viên tại Đại học Khoa học Sài Gòn. Năm 1959, ông bảo vệ thành công luận văn cao học và được cử làm nghiên cứu sinh tại Đại học Delaware (Mỹ). Năm 1962, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành hóa lý hữu cơ. Sau năm 1975, ông là giảng viên Trường Đại học Tổng hợp TP HCM (tiền thân của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP HCM hiện nay). Năm 1980, ông được nhà nước phong học hàm giáo sư. Năm 1987, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn chuyển sang làm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP HCM kiêm Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM… H.Lân