• Trang chủ
  • Thời sự
  • Không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế – dân sự khi xử lý vướng mắc dự án bất động sản

Không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế – dân sự khi xử lý vướng mắc dự án bất động sản

Chiều 23-11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”.

Không "hình sự hóa" các quan hệ kinh tế - dân sự khi xử lý vướng mắc dự án bất động sản- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với các Luật mới ban hành có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024…

Tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó chú trọng công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất đai là chi phí đầu vào của nền kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Quốc hội cũng giao Chính phủ tổ chức thi hành có hiệu quả các luật, nghị quyết có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Đồng thời, sớm triển khai Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất và Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa…sau khi được Quốc hội thông qua.

Chính phủ cũng được giao giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố liên quan.

Trong đó, Nghị quyết nêu rõ cần bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế – dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.

Nghị quyết giao Chính phủ chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định có liên quan đến đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, kinh doanh bất động sản bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông, thuận lợi về trình tự, thủ tục.

Đồng thời, bãi bỏ quy định không cần thiết, trùng lặp, không hợp lý, quy định rõ ràng về quy trình thủ tục tổng thể triển khai dự án bất động sản.