Hơn 300 chuyên gia, cán bộ y tế cấp cao của Việt Nam và các nước Úc, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Liên Bang Nga, Thái Lan, Singapore, Philippines cùng nhau chia sẻ, thảo luận tại hội nghị Quốc tế về đánh giá công nghệ y tế do Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức trong 2 ngày 1 và 2-11.
Với chủ đề “Cung ứng công nghệ y tế dựa trên giá trị: Thách thức và giải pháp”, các chuyên gia quốc tế chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng đánh giá công nghệ y tế, mua sắm dựa trên giá trị đang được áp dụng tại quốc gia. ThS Rossana Eugenia Alessandrello đến từ Tây Ban Nha báo cáo về “Kinh nghiệm mua sắm trang thiết bị y tế dựa trên giá trị tại Châu Âu”; TS Pritaporn Kingkaew, Thái Lan chia sẻ “Kinh nghiệm đánh giá công nghệ y tế đối với trang thiết bị y tế tại Thái Lan”; GS Eric Andrew Finkelstein, ĐHQG Singapore báo cáo “Đánh giá công nghệ y tế đối với trang thiết bị y tế tại Singapore”; ThS Gregory O’Toole và đề tài “Ứng dụng cung ứng thuốc dựa trên giá trị tại Úc”…
Bên cạnh đó là một số báo cáo nổi bật của các chuyên gia trong nước như “Tổng quan về sự phát triển và ứng dụng đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam” của TS Nguyễn Khánh Phương, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế; “Từ đánh giá công nghệ y tế đến cung ứng thuốc dựa trên giá trị” của PGS- TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng; “Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng danh mục thuốc tại bệnh viện” của PGS- TS Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Y Dược TP HCM.
GS- TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe (CSSK), BHYT toàn dân. Với điều kiện nguồn lực tài chính hạn hẹp trong khi nhu cầu CSSK tăng lên không ngừng thì một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính y tế. Yêu cầu này đặt ra đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam càng có tính cấp thiết hơn khi chi phí y tế ngày càng gia tăng mà nguồn kinh phí cho CSSK lại có hạn. Đánh giá công nghệ y tế được xem là một công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hệ thống y tế với mục tiêu hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các quyết định chính sách dựa trên bằng chứng về lựa chọn, chi trả và sử dụng công nghệ y tế một cách tối ưu nhất.
Theo ông Thuấn, thời gian qua, hoạt động đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam đã có được những bước tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam vẫn là quốc gia đi sau về phát triển đánh giá công nghệ y tế, do đó cần tăng cường đẩy mạnh hợp tác, trao đổi quốc tế trong lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, đánh giá công nghệ y tế là phương pháp đánh giá khía cạnh y học, dịch tễ học, xã hội học và kinh tế học của các can thiệp y tế (bao gồm thuốc, vắc-xin quy trình y tế, thiết bị y tế, dịch vụ y tế và cả các can thiệp y tế công cộng) về nhiều lĩnh vực như y học, xã hội học và kinh tế học.