Gìn giữ văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Kbang

Người dân tộc Ba Na chiếm phần lớn dân số của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Những năm trước đây, quá trình giao lưu, hội nhập, phát triển kinh tế đã khiến văn hóa truyền thống của họ đối mặt nhiều thách thức.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Kbang, về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội ngày nay.

– Phóng viên: Thưa ông, văn hóa truyền thống của người Ba Na hiện nay đang đối mặt với những thác thức nào trước sự phát triển của xã hội?

– Ông Đinh Đình Chi: Hiện nay văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, người Ba Na nói riêng đều đang bị giao thoa, dần mai một. Đời sống tín ngưỡng, các yếu tố cơ bản làm nên không gian văn hóa cồng chiêng như nhà rông, nhà sàn, trang phục, các lễ hội – nghi lễ truyền thống… của dân tộc Ba Na bị thay đối.

Gìn giữ văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Kbang- Ảnh 1.

Trong những năm qua, trước sự phát triển của xã hội, những văn hóa truyền thống của người Ba Na đối mặt với nhiều thách thức

Nhiều nghệ nhân am hiểu cồng chiêng, các nghi lễ truyền thống, dệt thổ cẩm … đã cao tuổi, một số đã qua đời, trong khi thế hệ trẻ chưa có sự tiếp cận kịp thời. Một bộ phận người trẻ coi trọng văn hóa hiện đại, phim ảnh, âm nhạc hiện đại mà dần xa rời bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống… Việc này đã dẫn đến văn hóa truyền thống của người Ba Na dần mai một.

– Phóng viên: Trước thực trạng đó, ngành văn hóa huyện Kbang đã làm những gì để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của người Ba Na?

– Ông Đinh Đình Chi: Trong những năm qua chúng tôi đã duy trì tổ chức liên hoan cồng chiêng, hội thi đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, các trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực truyền thống của dân tộc Ba Na gắn với các hoạt động ngày hội du lịch hàng năm của huyện.

Các lễ hội truyền thống như: Lễ hội mừng nhà rông mới, lễ mừng lúa mới, lễ thổi tai, lễ hội cầu mưa, lễ cúng bến nước… được tổ chức thường xuyên, duy trì hàng năm.

Bên cạnh đó, tổ chức sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca Ba Na, kể Khan, nhạc cụ, nghề thủ công, các lễ hội truyền thống; xây dựng các đội cồng chiêng nhỏ tuổi tại các làng; tổ chức đánh cồng chiêng tại các sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương.

Cùng với đó đã trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với văn hóa truyền thống và ý nghĩa lịch sử của dân tộc Ba Na; duy trì định kỳ hàng năm việc tổ chức Ngày hội du lịch của huyện và Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

– Phóng viên: Thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của người Ba Na. Vậy địa phương đã làm gì để khuyến khích họ học tập, giữ gìn văn hóa truyền thống?

– Ông Đinh Đình Chi: Chúng tôi xác định thế hệ trẻ đóng vai trò nòng cốt trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc. Do đó đã đặc biệt chú trọng công tác truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng, các nghề thủ công truyền thống, truyền dạy các làn điệu dân ca, sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống thông qua việc lồng ghép các đề án, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiến hành khảo sát lập hồ sơ đề nghị công nhận các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, hỗ trợ các chế độ chính sách để các nghệ nhân phát huy tinh thần và trách nhiệm trong công tác truyền dạy các loại hình di sản văn hóa của người Ba Na.

Gìn giữ văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Kbang- Ảnh 3.

Các già làng tại làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng đang tái hiện Lễ cúng bến nước truyền thống của người Ba Na ở Kbang

– Phóng viên: Trong quá trình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, ngành văn hóa gặp khó khăn gì, và làm cách nào để khắc phục?

Ông Đinh Đình Chi: Thực tế hiện nay rất thiếu các nghệ nhân am hiểu, kinh nghiệm để truyền dạy văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ; việc phục dựng và duy trì các lễ hội còn chưa thiếu bài bản, thiếu sự ổn định, chưa có sự đầu tư thỏa đáng; một số mô hình phát triển du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, chưa bài bản, chưa khai thác hết hiệu quả và huy động nhiều nguồn lực để đầu tư và phát triển. Đặc biệt là sự thờ ơ, thiếu mặn mà của một bộ phận người dân, nhất là trong lớp trẻ đối với việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình…

Một phần nguyên nhân là do nguồn kinh phí dành cho công tác bảo tồn di sản văn hóa còn thấp.

Để khắc phục, thời gian qua chúng tôi đã phục dựng các nghi lễ một cách truyền thống, nguyên bản nhất, không “sân khấu hóa”; thực hiện đa dạng hóa công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng về văn hoá, lịch sử của người Ba Na trên mọi phương tiện thông tin hiện có, đặc biệt là các nền tảng của mạng xã hội để thế hệ trẻ thích thú, tiếp cận.

Gìn giữ văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Kbang- Ảnh 4.

Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, các em nhỏ, thế hệ trẻ của người Ba Na vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Đặc biệt đã hỗ trợ mua cồng chiêng, trang phục truyền thống cho các đội văn nghệ, đội cồng chiêng tiêu biểu; hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn công tác bảo tồn với việc phát triển du lịch của địa phương. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật cho các làng văn hóa có phong trào văn hoá, văn nghệ tích cực và sôi nổi.

– Phóng viên: Để công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống được thực hiện tốt hơn nữa, ông có mong muốn gì từ các cơ quan quản lý nhà nước?

-Ông Đinh Đình Chi: Trong thời gian tới, chúng tôi mong được các cấp, chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư hơn nữa vào công tác bảo tồn các làng văn hóa truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, phục dựng và phục chế mô hình kiến trúc nhà rông, nhà sàn truyền thống của người Ba Na đã bị mai một.

Cùng với đó, huyện Kbang có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, cần được đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch sinh thái với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

Đặc biệt, có chính sách ưu đãi và chế độ phù hợp hỗ trợ cho các nghệ nhân trong công tác truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống của người Bana hiện nay

Xin cám ơn ông!