Theo Live Science, những tàn tích mà các nhà khảo cổ tìm thấy gần bờ biển nước Ý chính là một ngôi đền cổ được lập nên bởi những người đến từ Vương quốc Nabataea trên bán đảo Ả Rập 2.000 năm trước.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Antiquity cho biết những gì còn lại của ngôi đền bao gồm 2 bàn thờ cổ cùng các phiến đá cẩm thạch được khắc chữ, bị vùi lấp trong các mảnh bê tông và gốm vỡ.
“Đối với tôi, đây là một trong những khám phá bất ngờ nhất” – tác giả đầu tiên của nghiên cứu Michele Stefanile, một nhà khảo cổ học hàng hải tại Trường Sau đại học miền Nam (Scuola Superiore Meridionale – Ý) cho biết.
Ngôi đền nằm ngoài khơi bờ biển Pozzuoli, một thị trấn cách TP Naples khoảng 16 km về phía Đông.
Vào thời La Mã, khu vực này tọa lạc thành phố tên là Puteoli, nơi sở hữu một thương cảng lớn.
Hoạt động núi lửa trong nhiều thế kỷ đã làm thay đổi đáng kể đường bờ biển tại Pozzuoli, nhấn chìm và bảo tồn khoảng 2 km nhà kho thời La Mã và các tòa nhà khác liên quan đến khu cảng cổ đại.
Các hiện vật được thu hồi từ biển từ thế kỷ 18 cho thấy có một ngôi đền bị chôn vùi, nhưng không ai biết chính xác ở đâu.
Một nghiên cứu bắt đầu từ năm 2023 nhằm lập bản đồ đáy biển khu vực đã phát hiện ra hai căn phòng chìm có tường theo phong cách La Mã.
Hai bàn thờ bằng đá cẩm thạch trắng dựa vào tường của một căn phòng, cả hai đều có một số hốc hình chữ nhật, có thể trước đây là nơi chứa những viên đá thiêng.
Mỗi phòng cũng chứa một phiến đá cẩm thạch có khắc chữ Latin “Dusari sacrum”, có nghĩa là “dành riêng cho Dushara”, vị thần chính trong tôn giáo Nabataean cổ đại.
Vương quốc Nabataea trải dài từ phía bắc Ả Rập đến phía Đông Địa Trung Hải, có thủ đô là Petra, một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại.
Vào thế kỷ 4 đến thế kỷ 2 trước Công nguyên, người Nabataea kiểm soát một mạng lưới thương mại ngày càng phát triển về hàng xa xỉ như hương liệu, nước hoa, vàng, ngà voi… Vì vậy, đời sống ở cổ vương quốc này cực kỳ xa hoa.