• Trang chủ
  • Thời sự
  • Đại biểu QH Nguyễn Thị Lệ nêu nhiều cơ chế đặc thù khi làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Đại biểu QH Nguyễn Thị Lệ nêu nhiều cơ chế đặc thù khi làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Ngày 20-11, thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, cho biết thay mặt TP HCM, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ việc đầu tư xây dựng dự án này theo đề xuất của Chính phủ.

Đại biểu QH Nguyễn Thị Lệ nêu nhiều cơ chế đặc thù khi làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên thảo luận chiều 20-11. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, đây là bước đi tất yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế. Vị đại biểu nêu rõ hệ thống đường sắt của nước ta hiện đã lạc hậu về công nghệ, năng lực vận hành thấp. Do đó, việc ưu tiên nâng hệ thống đường sắt hiện hữu thành đường sắt tốc độ cao là cần thiết và cấp bách. 

Tại khu vực phía Nam, với trung tâm là TP HCM, đóng góp hơn 40% GDP cả nước, nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang – những vùng có tiềm năng lớn về nông nghiệp, thủy sản và du lịch – lại chưa được kết nối hiệu quả với hệ thống đường sắt quốc gia.

Chủ tịch HĐND TP HCM dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy đầu tư vào hạ tầng giao thông có thể làm tăng trưởng GDP từ 1,5 – 2% mỗi năm. Việc kết nối TP HCM – Cần Thơ và các tỉnh miền Tây sẽ giảm chi phí logistics và thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.

Theo ước tính, với tốc độ cao 200-250 km/giờ, năng suất vận chuyển có thể đạt 50 triệu hành khách/năm và 15 triệu tấn hàng hóa/năm cho tuyến TP HCM – Cần Thơ, có thể giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long lên TP HCM khoảng 15 – 20%, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

“Việc rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP HCM và Cần Thơ xuống còn 1 giờ, so với 3-4 giờ bằng đường bộ hiện nay, nâng cao chất lượng cuộc sống, mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế và việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa”- đại biểu nhìn nhận.

Từ phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề xuất quan tâm việc đầu tư ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM – Cần Thơ. Theo bà Nguyễn Thị Lệ, đây là tuyến có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM và sau đó, mở rộng tuyến đường sắt đến các tỉnh cực Nam như Kiên Giang, Cà Mau.

Nhấn mạnh việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một trong những dự án lớn nhất và mang tính chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng nêu các vấn đề cần lưu ý để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững.

Theo đó, đường sắt tốc độ cao cần được quy hoạch trong mối quan hệ chặt chẽ với các loại hình giao thông khác như đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Kết nối các trung tâm kinh tế lớn với các khu vực sản xuất, khu công nghiệp, cảng biển và sân bay để tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn.

Vị đại biểu đoàn TP HCM cũng đề nghị Quốc hội cần xác định rõ các tuyến đường ưu tiên đầu tư dựa trên mật độ dân cư, nhu cầu vận tải và tiềm năng phát triển kinh tế, như tuyến Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang và tiếp là TP HCM – Cần Thơ rồi đến các tuyến khác.

Bên cạnh đó, đường sắt tốc độ cao không chỉ phục vụ giao thông mà còn là động lực để phát triển kinh tế vùng, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực phát triển và khu vực khó khăn. Vì vậy, cần đảm bảo tuyến đường sắt đi qua các khu vực kinh tế tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả để kích thích phát triển.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, dự án đường sắt tốc độ cao đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, ước tính tổng mức đầu tư toàn tuyến Bắc – Nam từ 60 – 70 tỉ USD. Do đó, Quốc hội cần cân nhắc kỹ các phương án huy động vốn.

Đối với vấn đề lựa chọn công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng đường sắt tốc độ cao cần áp dụng công nghệ hiện đại, nhưng phù hợp với điều kiện địa hình và khả năng tài chính của Việt Nam. Cân nhắc giữa các mô hình như công nghệ Maglev, điện khí hóa, hoặc hệ thống đường sắt lai (vừa vận chuyển hành khách, vừa vận chuyển hàng hóa).

Với một dự án lớn và khó thực hiện, để dự án thành công, bà Nguyễn Thị Lệ kiến nghị Quốc hội cần ban hành các chính sách đặc thù như đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án và giải phóng mặt bằng, ban hành các quy định riêng cho các dự án hạ tầng lớn nhằm rút ngắn thời gian triển khai.

Cùng với đó, xem xét ban hành cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP. Ngoài ra, cần tăng cường các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách, hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn trong nước.

Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội cần chỉ đạo thành lập một cơ quan quản lý chuyên biệt, chẳng hạn như Tổng công ty Đường sắt tốc độ cao Việt Nam, trực thuộc Chính phủ. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm từ quy hoạch, xây dựng, đến vận hành hệ thống. Mặt khác, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực quản lý; công khai quy hoạch, tiến độ, và chi phí đầu tư để tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư…