Và trong “Mỹ học của Nguyễn Du”, tác giả cũng dẫn dắt chúng ta đi vào thế giới của cái đẹp.
GS-TSKH Lê Ngọc Trà vừa “lì xì” tôi tác phẩm “Mỹ học của Nguyễn Du” của anh do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành. Tôi chưa phải là người đọc nhiều nhưng về cơ bản cũng biết được hơn 200 năm qua, người ta nói nhiều về Nguyễn Du, về Truyện Kiều, nhưng chưa có ai nói về mỹ học của Nguyễn Du. Nay, Lê Ngọc Trà là người đầu tiên “đụng” đến chuyện này.
Đóng góp của Nguyễn Du vào mỹ học
Từ giữa thế kỷ 18, lần đầu tiên giới học thuật biết đến thuật ngữ “mỹ học” qua tác phẩm Aestheticä (Mỹ học) của triết gia người Đức Alexander Baumgarten. Ông dùng thuật ngữ này cho lý thuyết về nghệ thuật tự do hay khoa học về cái đẹp nhận thức được. Trong thế kỷ 20, từ này được coi có nghĩa rộng hơn lý thuyết mỹ học, bởi nó bao hàm cả lý thuyết về cái đẹp cụ thể trong tự nhiên và cái đẹp trừu tượng, ví dụ vẻ đẹp tinh thần hay trí tuệ – tuy nhiên, cái đẹp đó phải là đối tượng cho sự nghiên cứu triết học hay khoa học. Nhờ vậy, ngày nay chúng ta không lạ với thuật ngữ này. Nói không lạ là do chúng ta nghe quen tai, chứ đi sâu vào lĩnh vực này, không dễ “thấm”, nhất là mỹ học của Nguyễn Du.
GS-TSKH Lê Ngọc Trà cho biết “Mỹ học của Nguyễn Du trong nghĩa nghiêm nhặt của từ là những quan niệm của nhà thơ về thẩm mỹ, những phát biểu của nhà thơ về cái đẹp và nghệ thuật. Hiểu theo nghĩa ấy, chúng ta khó có được bức tranh đầy đủ về mỹ học của Nguyễn Du, bởi vì trong những tài liệu hiện có không thấy có chỗ nào Nguyễn Du trực tiếp phát biểu quan niệm của mình về các vấn đề trên” (trang 7).
Với trình độ nhận thức của nhiều người đọc hôm nay đều biết nghiên cứu khoa học là hướng vào việc tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết, chưa ai “cày xới”, và hôm nay, chúng ta có thể thấy sự “tìm kiếm” ấy trong “Mỹ học của Nguyễn Du”.
Tác phẩm của GS Lê Ngọc Trà đưa người đọc khám phá cái đẹp trong sáng tác của đại thi hào dân tộc, đặc biệt là qua Truyện Kiều – nét đẹp từ cái tình toát lên từ mỗi câu thơ, từ tiếng thương cho số phận con người, từ những chiêm nghiệm về hiện thực và lẽ đời.
Nguyễn Du là một tác gia văn học trung đại, ông thừa kế truyền thống đề cao cái đẹp trong văn chương cổ đại và trung đại. Truyện Kiều phản ánh rõ nét điều đó. Nhưng theo Lê Ngọc Trà, mỹ học của Nguyễn Du cũng có những nét khác: “Cùng với việc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, phong thủy, Nguyễn Du hết lòng đề cao cái đẹp của con người, đề cao nhan sắc, tài hoa của con người, nhất là của người phụ nữ. Đặc biệt, ông không ngần ngại khi nhắc đến vẻ đẹp thân thể, vẻ đẹp trần tục của thể xác, tình yêu mang yếu tố thể xác, điều mà văn chương Việt Nam trước thời Lê mạt thường né tránh hay xem như điều cấm kỵ. Câu thơ tả Thúy Kiều tắm:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
Câu thơ thường được nhiều nhà nghiên cứu coi là bức tranh khỏa thân đầu tiên và sớm nhất trong văn chương Việt Nam có thể xem như một đóng góp của Nguyễn Du vào mỹ học truyền thống nước nhà” (trang 48-49).
Văn chương không phải để răn dạy
Xưa nay, không ít người không đồng tình việc ca ngợi cái đẹp “từ trong ra ngoài” của cô gái lầu xanh như nàng Kiều của Nguyễn Du. Nhưng dưới góc độ mỹ học, Lê Ngọc Trà cho rằng “Nguyễn Du không quan tâm đến cả sự ràng buộc giữa thẩm mỹ và luân lý hiểu theo nghĩa thông thường. Một người thân phận làm đĩ mà vẫn được ca ngợi là đẹp. Một người thuộc hàng buôn phấn bán hương mà vẫn được khen là “trong ngọc trắng ngà” thì quả thiên vị. Nguyễn Du rõ ràng đã đứng trên một lập trường mỹ học khác.
Đặc sắc của lập trường mỹ học ấy là ở chỗ nó yêu cầu thừa nhận cái đẹp như một giá trị độc lập, không gắn với đạo đức hiểu theo nghĩa truyền thống và trong trường hợp có liên quan đến đạo đức thì đạo đức cần phải được lý giải một cách cụ thể tùy theo từng sự việc” (trang 51-52).
Sau khi khảo sát thơ văn chữ Hán cùng Truyện Kiều, anh cho rằng “suy nghĩ của Nguyễn Du, từ vấn đề đối tượng của cảm xúc, phạm vi của cái đẹp đến thái độ cần có của nghệ sĩ khi đứng trước cuộc đời đều thống nhất với nhau ở một điểm, đó là sự quan tâm đến đời sống, hướng về hiện thực. Tinh thần ấy thấm nhuần nhiều bài thơ của Nguyễn Du. Trong các tác phẩm của ông, “những điều trông thấy” đã thực sự trở thành đề tài và nội dung văn học” (trang 118).
Hai câu kết của Truyện Kiều: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”, tôi lắm lần đưa vào một số bài viết của mình, nhưng đọc “Mỹ học của Nguyễn Du”, tôi ngộ ra một số điều tâm đắc. Với hai câu kết ấy, GS-TSKH Lê Ngọc Trà viết: “Câu nói như xin lỗi, khiêm tốn, thậm chí còn có vẻ hạ mình ấy thực ra chứa đựng quan niệm nằm rất sâu trong ý thức của Nguyễn Du về văn nghệ. Khác với nhiều nhà thơ đương thời và cả sau này nữa, tác giả Truyện Kiều không tự xem mình như một người thầy đạo đức của xã hội. Vì vậy, ông cũng không coi văn chương như một phương tiện để luận đạo, để giáo dục luân lý. Với Nguyễn Du, sáng tác là bộc lộ nỗi niềm, là kể một câu chuyện đời để người ta nghiền ngẫm, chia sẻ, thông cảm, chứ không phải để răn dạy. Thơ văn Nguyễn Du nghiêng về hiểu đời hơn là lý thuyết, nghiêng về nhận thức hơn là giáo dục” (trang 176-177).
“Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”, xin chúc mừng GS-TSKH Lê Ngọc Trà bước vào tuổi 80 còn đủ tài, đủ sức để tìm kiếm “Mỹ học của Nguyễn Du”.
Giáo sư Lê Ngọc Trà (ảnh) sinh năm 1945 tại Tịnh Hòa, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Những năm 1986-1988, ông làm luận án tiến sĩ ở Liên Xô, nhận bằng tiến sĩ Lý luận văn học năm 1988. Ông từng giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi vào giảng dạy tại Khoa Văn – Trường Ðại học Sư phạm TP HCM, giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường Ðại học Sư phạm TP HCM…
Ông có nhiều công trình nghiên cứu văn học được người trong giới và công chúng đánh giá cao. Năm 1991, ông đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập phê bình – tiểu luận đầu tay “Lý luận và văn học”. Năm 2006, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.