COP29 khép lại trong tranh cãi

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã khép lại tại thủ đô Baku – Azerbaijan ngày 24-11, muộn hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu. Chủ đề chính của COP29 là thiết lập mục tiêu mới về tài chính khí hậu toàn cầu hằng năm.

Theo sau các cuộc đàm phán căng thẳng, gần 200 nước đã đạt được thỏa thuận. Trong đó, các quốc gia giàu cam kết cung cấp 300 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035 cho các nước nghèo để giúp họ đối phó những tác động ngày càng thảm khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu và chuyển đổi nền kinh tế sang năng lượng sạch.

Ông Simon Stiell, người đứng đầu Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cho biết mục tiêu tài chính mới này là một chính sách bảo hiểm cho nhân loại, trong bối cảnh các tác động khí hậu ngày càng nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia.

Dù đi đến thỏa thuận cuối cùng, nhiều nước đang phát triển cho rằng số tiền nói trên là quá thấp. Theo đài CNN, số tiền này thấp hơn nhiều so với mức 1.300 tỉ USD mà các nhà kinh tế cho rằng cần thiết để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó khủng hoảng khí hậu.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở thủ đô Baku - Azerbaijan ngày 24-11 Ảnh: REUTERS

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở thủ đô Baku – Azerbaijan ngày 24-11 Ảnh: REUTERS

Không gì lạ khi nhiều nước đã phản ứng gay gắt. Bà Chandni Raina, đại diện Ấn Độ, cho rằng số tiền 300 tỉ USD là “ít ỏi” và thỏa thuận trên không đủ khả năng giải quyết quy mô to lớn của thách thức biến đổi khí hậu. 

Một số nước, trong đó có Ấn Độ, cũng chỉ trích các nước giàu vì yêu cầu các quốc gia đang phát triển phải đóng góp vào mục tiêu tài chính hằng năm này. Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cảnh báo rằng mốc thời gian đến năm 2035 sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của thế giới.

Hội nghị cũng phơi bày sự chia rẽ giữa các chính phủ giàu có vốn bị hạn chế bởi ngân sách chặt chẽ và các quốc gia đang phát triển vốn chịu thiệt hại nặng từ bão lũ và hạn hán ngày càng tồi tệ. Nhóm G77, gồm các quốc gia đang phát triển, đã kêu gọi khoản tiền đến 500 tỉ USD. 

Tuy nhiên, các nước giàu cho rằng con số này là không thực tế trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Bên cạnh đó, còn có đề xuất yêu cầu các nền kinh tế mới nổi giàu có, như Trung Quốc và Ả Rập Saudi, đóng góp vào gói tài trợ khí hậu. Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ “khuyến khích” các quốc gia đang phát triển tự nguyện làm điều này.

Ông Li Shuo, chuyên gia tại Viện Chính sách xã hội châu Á (trụ sở ở Mỹ), cho rằng thỏa hiệp tại COP29 phản ánh cục diện địa chính trị ngày càng phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt. Đáng chú ý, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã phủ bóng lên tiến trình thương thảo tại hội nghị.

Tổng thống Mỹ đắc cử đã gọi cuộc khủng hoảng khí hậu là một “trò lừa”, tuyên bố sẽ rút Washington khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, làm dấy lên lo ngại về tương lai của các hành động khí hậu đa phương. Tại hội nghị, một số nhà đàm phán tỏ ra hoài nghi về chuyện nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ đóng góp vào các mục tiêu tài chính khí hậu đạt được.

Một vấn đề khác, theo Reuters, là các chính phủ phương Tây không còn xem biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên hàng đầu giữa lúc căng thẳng địa chính trị và lạm phát gia tăng. Ngoài ra, ngay cả các quốc gia phát triển cũng không tránh khỏi thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai.

Chẳng hạn, mưa to kéo theo lũ lụt ở tỉnh Valencia – Tây Ban Nha hồi tháng 10 đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Trong khi đó, nước Mỹ ghi nhận 24 thảm họa thời tiết, khí hậu gây thiệt hại hơn 1 tỉ USD kể từ đầu năm đến nay. 

Thị trường mua bán tín chỉ carbon toàn cầu

Tại COP29, các quốc gia cũng đạt được thỏa thuận về các quy định cho một thị trường mua bán tín chỉ carbon toàn cầu. Những người ủng hộ cho rằng động thái này sẽ huy động được hàng tỉ USD cho các dự án mới nhằm giúp chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua những dự án như trồng cây hoặc xây dựng trang trại điện gió ở các quốc gia nghèo. Mỗi tín chỉ tương ứng 1 tấn khí thải được giảm thiểu hoặc hút ra khỏi khí quyển. Các quốc gia và công ty có thể mua tín chỉ này để giúp đạt được mục tiêu khí hậu của họ.

Theo thỏa thuận, một hệ thống giao dịch tập trung của Liên Hiệp Quốc sẽ được triển khai sớm nhất vào năm tới. Ngoài ra, các nhà đàm phán còn nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung về một hệ thống song phương riêng biệt để các quốc gia có thể giao dịch trực tiếp. Các chi tiết cần được giải quyết bao gồm cách thức xây dựng sổ đăng ký theo dõi tín chỉ, cũng như các quốc gia nên chia sẻ bao nhiêu thông tin về những thỏa thuận của họ và những gì sẽ xảy ra khi các dự án gặp trục trặc.

Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc giám sát chặt chẽ và minh bạch hơn giao dịch giữa các quốc gia. Trong khi đó, Mỹ tìm kiếm quyền tự chủ hơn đối với các thỏa thuận đã đạt được. Hiệp hội Thương mại khí thải quốc tế (IETA) ước tính một thị trường được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn có thể trị giá 250 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030, sẽ giúp bù đắp thêm 5 tỉ tấn khí thải carbon mỗi năm.