• Trang chủ
  • Doanh nhân
  • Chủ tịch HĐQT APG Eco Đặng Thuỳ Linh và hành trình bán gạo đứng đầu TikTok

Chủ tịch HĐQT APG Eco Đặng Thuỳ Linh và hành trình bán gạo đứng đầu TikTok

Chủ tịch HĐQT APG Eco Đặng Thuỳ Linh và hành trình bán gạo đứng đầu TikTok

Về nước sau 24 năm định cư ở Đức, doanh nhân Đặng Thuỳ Linh hiện thực hoá ước mơ nâng tầm gạo Việt bằng cách đưa thương hiệu mình tự tay gây dựng đứng đầu doanh thu bán hàng trên nền tảng TikTok.

Tình yêu mãnh liệt với hạt gạo Việt

Rời Việt Nam từ lúc 5 tuổi, bà Đặng Thuỳ Linh cùng gia đình định cư tại Đức. Với tình yêu quê hương, bà đã quay về Việt Nam và bén duyên với gạo.

“Tôi rất yêu Việt Nam, nhất là nông sản Việt Nam, vì hiện các loại nông sản Việt trên thị trường trong nước lẫn quốc tế rất được yêu thích. Tôi quyết định trở về và bắt tay vào giúp đưa hình ảnh nông sản Việt vươn tầm hơn nữa”, nữ doanh nhân sinh năm 1981 chia sẻ.

Thực tế, với sứ mệnh mang đến dòng sản phẩm “ngon – sạch – đẹp”, APG Eco đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa, mà còn góp phần nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mỗi hạt gạo trắng ngần chứa đựng trọn vẹn hương thơm, dinh dưỡng và cả một câu chuyện sâu sắc về nghị lực, đam mê và tình yêu với quê hương đất nước.

Từ việc sử dụng giống lúa tốt, ứng dụng các giải pháp gieo trồng đúng tiêu chuẩn, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu và Mỹ.

Thông qua việc bao tiêu những cánh đồng lúa tại An Giang và các vùng lân cận, APG Eco không chỉ đảm bảo được đầu ra, mà còn khuyến khích được người nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ – đảm bảo được nguồn lúa đầu vào đạt chất lượng cao.

Đến nay, các dòng gạo nhà APG Eco đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố cùng hàng chục ngàn điểm bán trên toàn quốc. 

Qua khảo sát, tôi đánh giá nông nghiệp và du lịch đang là thế mạnh của Việt Nam nên quyết định bỏ vốn đầu tư. Đáng nói lĩnh vực này còn được Chính phủ hỗ trợ rất nhiều về vốn, chính sách, nữ doanh nhân chia sẻ.

Bước đầu, bà Linh cùng chồng mua lại nhà máy chế biến lúa gạo Long Xuyên (Angimex) để bắt đầu cho sự nghiệp đầu tư kinh doanh mặt hàng này.

Với tôn chỉ “Ăn sạch, sống xanh, trọn an lành”, APG Eco cam kết mang đến những sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon và bổ dưỡng. Và để cho ra những hạt gạo an toàn, tốt cho sức khỏe, APG Eco đã kiểm soát hoàn toàn từ quá trình gieo cấy, đến sản xuất và nhà máy đóng gói chuẩn xuất khẩu. 

APG Eco hiện phát triển tới 6 nhà máy chế biến xay xát cũng như liên kết với hàng trăm hộ dân tại các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang…

“APG Eco mong muốn trở thành nhà sản xuất đi đầu trong ngành hàng nông sản sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên. Trong tương lai chúng tôi mong muốn mang thương hiệu APG Eco vươn xa thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, mang niềm tự hào về cho quốc gia”, bà Linh nói về mong ước.

Thương hiệu “Mỹ nhân làng gạo”

Sau khi xác định được tầm nhìn, sứ mệnh cũng như giá trị cốt lõi của mình, doanh nhân Đặng Thuỳ Linh lại trăn trở về thương hiệu. Bởi theo bà Linh, đã “sinh sau đẻ muộn” thì bên cạnh chất lượng, một doanh nghiệp muốn thành công phải ghi được ấn tượng với khách hàng qua việc định vị tên tuổi.

“Mỹ nhân làng gạo” (VEBO ST25) xuất phát qua quá trình quan sát, đúc kết kinh nghiệm của tôi rằng khi nhắc đến gạo mọi người chỉ nghĩ đến cái cũ, truyền thống. Người ta hay nghĩ về những người chú, người anh nông dân hay những gì truyền thống. Mình làm mới nó bằng cái tên “Mỹ nhân” để thể hiện sự đẹp đẽ của hạt gạo Việt – loại hạt có số lượng lẫn chất lượng hàng đầu thế giới”, bà Linh lý giải về nguồn gốc đặc biệt của thương hiệu mình.

Cái tên “Mỹ nhân làng gạo” được coi là sự bứt phá trong cách gây ấn tượng với người dùng. Ảnh: Gia Hân

Không chỉ có cái tên đặc biệt, Chủ tịch APG Eco còn đầu tư vào mẫu mã bao bì nhằm tạo sự khác biệt khi lấy logo màu xanh, cam nổi bật với sự mới mẽ, dễ nhận diện.

Hiện với thương hiệu “Mỹ nhân làng gạo”, APG Eco tập trung cho 2 dòng sản phẩm gạo ST25 và gạo lúa tôm. Chọn tập trung 2 dòng này, bởi ST25 là dòng gạo Việt Nam chất lượng nhất được thế giới công nhận 2 lần.

Còn đối với gạo Lúa tôm, đây là dòng có mức giá rẻ hơn một chút song cũng thuộc top đầu những loại gạo chất lượng nhất của Việt Nam.

“Gạo Lúa tôm là tên gọi biểu trưng cho gạo được xay xát từ lúa trồng trong vùng luân canh lúa tôm, đất ruộng nhiễm mặn. Được tuyển chọn từ giống lúa mùa 6 tháng ST24 đặc sản của Sóc Trăng (None GMO), ngon thứ 3 trên thế giới. Phía trên trồng lúa, ở dưới nuôi tôm, mỗi năm chỉ canh tác một vụ nên hạt gạo đảm bảo chất dinh dưỡng nhiều hơn và đậm đà hơn”, bà Linh giới thiệu.

Nhận thấy nhu cầu sử dụng gạo của người Việt tại nước ngoài hiện rất cao, Chủ tịch APG cũng đã đưa thương hiệu “Mỹ nhân làng gạo” vào các siêu thị người Việt tại các nước thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Ba Lan…, vì người Việt ăn gạo nhiều hơn người nước ngoài.

Nhà bán gạo số 1 trên TikTok

Sau dịch Covi-19, bà Linh nhận ra người dùng đã quen hơn với mua sắm thương mại điện tử, ít thích đi ra ngoài mua trực tiếp nên quyết định đánh mạnh sang mảng thương mại điện tử và bà đã chọn TikTok làm nền tảng chính để khai thác tiềm năng.

“Tiếp cận với hình thức này cũng khó vì mình là thương hiệu mới và chưa có định danh trên thị trường. Bán gạo tại siêu thị, cửa hàng thì nhiều người làm rồi. Mình xuất hiện sau mà muốn định vị tên tuổi phải có cách làm khác. Và tôi chọn bán gạo trên TikTok. Chọn TikTok vì hiện nền tảng này trợ giá rất nhiều và sự trợ giá của Tiktok miễn phí giao hàng, giảm giá khuyến mãi đã hút đơn hàng rất lớn.”, bà Linh chia sẻ ý tưởng bán hàng trên TikTok.

Chọn hình thức livestream bán hàng trên TikTok, thương hiệu Vebo ST25 của APG Eco hiện đứng đầu các nhà bán gạo của nền tảng này. Ảnh: Gia Hân

Ban đầu tiếp cận cách bán hàng này cũng gặp nhiều khó khăn, vì chưa nhiều người biết đến thương hiệu cũng như chất lượng, nhưng nhìn ra được nhiều tiềm năng trên nền tảng này Chủ tịch APG Eco không cho phép mình nản chí.

“Nhân viên hỏi tôi, chị ơi mình live chỉ có 1 mắt xem thì có live nữa không. Tôi liền đặt vấn đề, thế cửa hàng em bán không có khách vào mua em có đóng cửa không. Nói thế để thấy mình live bán hàng bên cạnh bán được hàng còn là cách để trực tiếp giới thiệu thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”, bà Linh chia sẻ.

Bà Linh phân tích, nếu mở một cửa hàng trung bình mỗi ngày lượng khách hàng tiếp cận chỉ tầm vài chục người. Trong khi livestream có thời điểm lượng tiếp cận lên đến hàng nghìn người.

Nhận thấy tiềm năng lớn về lượng khách hàng tiếp cận, nữ doanh nhân quyết định kiên trì với hình thức livestream bán gạo trên TikTok. Đồng thời, bà nhận ra rằng, khi livestream, có thể tương tác trực tiếp qua màn hình với khách, trả lời ngay các câu hỏi của khách hàng về giá cả, chất lượng, cách thức vận chuyển. Vì thế, bà Linh quyết định cho nhân viên livestream đến 12 tiếng/ngày.

“Trong các phiên phát trực tiếp, nhân viên của APG Eco nấu gạo thành cơm và ăn thử rồi chia sẻ cảm nhận cho khách hàng, trải nghiệm cùng mình. Thậm chí, chúng tôi còn “chịu chơi” đến mức cho khách hàng mua về nấu ăn thử, nếu cảm nhận không ngon có thể hoàn trả trong vòng 6 ngày”, nữ doanh nhân nói.

“Phục vụ từ nhà máy đến tận giường” là cách mà APG Eco hút khách. Khách hàng thay vì phải kệ nệ đi mua và mang gạo về thì chỉ cần đặt hàng 12 giờ, gạo sẽ giao đến tận nhà.

Kết quả APG Eco là doanh nghiệp bán gạo có doanh thu cao nhất nền tảng TikTok với đơn hàng bình quân từ 1.000 đơn/ngày. Phiên live ngày 5/5 vừa qua, đơn hàng lên đến 4.000 mang về doanh thu 500 triệu đồng.

Vị nữ Chủ tịch nhấn mạnh, bên cạnh chất lượng sản phẩm, việc đào tạo nhân lực là yếu tố quan trọng nhất với hình thức livestream. Phải tuyển chọn nhân viên có ngoại hình, năng khiếu giao tiếp, ăn nói lưu loát. Đồng thời, với nền tảng TikTok phải “lên sóng” liên tục thì mới bán được nhiều hàng. Vì thế, cần nhiều nhân viên để thay đổi ca cho nhau nhằm giữ giọng cũng như sức khoẻ trong dài hạn.