Châu Á mưa bão, châu Âu – Mỹ nắng nóng

Mưa lớn trút xuống phần lớn Nhật Bản trong ngày 30-8 sau khi bão Shanshan đổ bộ trước đó một ngày vào Kyushu, phía Tây Nam nước này. 

Hàng loạt cảnh báo lũ lụt và lở đất được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ban hành không chỉ ở Kyushu mà còn ở những nơi cách xa tâm bão hàng trăm km như tỉnh Shizuoka trên đảo chính Honshu, vùng thủ đô Tokyo và tỉnh Kanagawa kế cận.

Đến nay đã có 6 người thiệt mạng liên quan đến bão Shanshan. Với sức gió giật lên tới 180 km/giờ, đủ sức hất tung xe tải đang chạy, cộng với dòng khí nóng, ẩm bao quanh, bão Shanshan dù đã suy yếu vẫn gây mưa tầm tã ở nhiều nơi. 

Một số khu vực ở Kyushu ghi nhận lượng mưa kỷ lục trong tháng 8, như thị trấn Misato hứng tới 791,5 mm nước chỉ trong 48 giờ. Trước đó, khi đổ bộ vào Kyushu hôm 29-8, Shanshan có sức gió giật lên tới 252 km/giờ, là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua.

Từ Kyushu, theo dự báo, cơn bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, với tốc độ chậm đáng lo ngại. Khoảng 5 triệu người đã được cảnh báo sơ tán khắp đất nước. Nhiều công ty thông báo tạm dừng sản xuất như các hãng xe Toyota, Nissan, Honda… và các công ty bán dẫn Renesas, Tokyo Electron, Rohm… 

Hai hãng hàng không lớn là All Nippon Airways và Japan Airlines thông báo hủy hơn 600 chuyến bay hôm 30-8 trong khi nhiều chuyến tàu hỏa, xe buýt và phà tạm dừng – theo Bộ Giao thông Nhật Bản.

Lực lượng cứu hộ có mặt tại khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lớn do bão Shanshan tại Gamagori, tỉnh Aichi - Nhật Bản Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ có mặt tại khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lớn do bão Shanshan tại Gamagori, tỉnh Aichi – Nhật Bản Ảnh: REUTERS

Reuters cho biết Shanshan là cơn bão mạnh mới nhất tấn công Nhật Bản, tiếp sau bão Ampil cũng trong tháng này. 

Một nghiên cứu công bố hồi tháng 7 chỉ ra các cơn bão ở châu Á đang hình thành sát bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và tồn tại lâu hơn trên đất liền – đều do tác động của biến đổi khí hậu. 

Nghiên cứu khác của Tổ chức World Weather Attribution, công bố hôm 29-8, cho biết thêm chính biến đổi khí hậu đã tiếp thêm sức cho Gaemi khi cơn bão này càn quét khắp Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục vào tháng trước. 

Tương tự, các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Imperial College London ước tính nhiều khả năng sức gió của bão Shanshan mạnh hơn 26% là do trái đất nóng lên.

Cùng ngày 30-8, các trường học ở Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan, phải đóng cửa do mưa to và gió mạnh. Giới chức khí tượng của thành phố cảnh báo một vùng áp thấp mạnh trên biển Ả Rập có nguy cơ mạnh lên thành bão. Hiếm khi xảy ra bão trên biển Ả Rập vào tháng 8, theo báo Indian Express, bởi hiện tượng tương tự gần nhất xảy ra là vào năm 1964.

Ngược lại, một đợt nắng nóng đang đẩy nhiệt độ lên cao kỷ lục tại các bang Trung Tây của Mỹ trong tuần này. Theo Tân Hoa xã, một khối áp cao cuối mùa hiện bao trùm các thành phố như Chicago, Des Moines và Topeka, khiến hơn 60 triệu người chịu đựng “mức nhiệt cực đoan” kéo dài. 

“Chênh lệch giữa nhiệt độ tối đa 40-46 độ C và nhiệt độ tối thiểu 24-27 độ C làm tăng các nguy cơ đối với sức khỏe” – Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo.

Châu Âu cũng sắp đón tháng 9 ấm bất thường, sau một mùa hè nắng nóng và hạn hán ở Đông Nam lục địa. Nhiệt độ châu Âu vào đầu tháng 9 được dự báo cao hơn 5-8 độ C so với nền nhiệt trung bình 30 năm qua – theo công ty chuyên về thời tiết Atmospheric G2 (Mỹ). 

Ông Matthew Dross, nhà khí tượng học tại công ty dự báo Maxar Technologies (Mỹ), nhận định miền Nam nước Đức, các quốc gia Balkan, Ukraine và các nước Baltic sẽ đặc biệt ấm áp. Hãng tin Bloomberg cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu đang kéo dài tiết trời nóng bức của mùa hè sang tháng 9 và thậm chí là tháng 10 ở châu Âu.