Châu Á cảnh giác với đậu mùa khỉ

Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 16-8 cho biết nước này sẽ kiểm tra các triệu chứng liên quan đối với tất cả người nhập cảnh trong vòng 6 tháng tới. Việc kiểm dịch cũng áp dụng cho các máy bay, tàu thuyền, container hàng hóa đến từ những nơi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tại đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), nơi đã ghi nhận 13 ca trong năm nay, các bác sĩ và bệnh viện được yêu cầu báo cáo khi có ca nghi nhiễm để nhanh chóng truy vết. Nhà chức trách cũng đưa ra khuyến cáo đi lại đối với châu Phi.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ban hành cảnh báo sức khỏe cấp độ 1, kêu gọi công dân đi đến hoặc lưu trú tại 7 quốc gia châu Phi phải thận trọng, theo đài NHK. Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore cho biết nguy cơ sức khỏe cộng đồng tức thời do dịch đậu mùa khỉ ở nước này vẫn ở mức thấp và các biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng. Trong khi Bộ Y tế công cộng Thái Lan tăng cường kiểm tra hành khách đến nước này thì Bộ Y tế Philippines cho biết hệ thống giám sát của họ đang trong tình trạng báo động sau động thái trên của WHO.

Châu Á cảnh giác với đậu mùa khỉ- Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế thông báo về ca đậu mùa khỉ nhiễm virus “nhánh Ib” tại cuộc họp báo ở thủ đô Stockholm – Thụy Điển hôm 15-8. Ảnh: REUTERS

Riêng Bộ Y tế Pakistan hôm 16-8 xác nhận ít nhất 1 ca nhiễm virus đậu mùa khỉ ở một bệnh nhân trở về từ một quốc gia vùng Vịnh. Tuy nhiên, Sở Y tế tỉnh Khyber Pakhtunkhwa – Pakistan lại báo cáo ghi nhận đến 3 ca, là người đến từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Cùng ngày, WHO xác nhận bệnh nhân đầu tiên mắc chủng đậu mùa khỉ mới gọi là “nhánh Ib” ở bên ngoài châu Phi. Ca bệnh này được ghi nhận ở Thụy Điển, là người từng ở châu Phi trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Các chuyên gia nhận định với Reuters rằng với mức độ lây lan của chủng này tại châu Phi, sự xuất hiện ca bệnh ở châu Âu không đáng ngạc nhiên. Dù vậy, diễn biến này cũng là lời cảnh báo về việc nhiều ca như thế có thể chưa được phát hiện ở châu Âu.