Theo báo cáo của Startup Genome, TP HCM hiện thuộc nhóm 81-90 thị trường start-up mới nổi toàn cầu với hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững, thành phố đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và hỗ trợ chính sách cho các DN đổi mới sáng tạo. Trong đó, việc thành lập Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM (Sihub) được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối kết nối, thúc đẩy các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam và quốc tế.
Vai trò của Sihub
Sihub, tọa lạc tại 123 Trương Định, quận 3, là cơ sở thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP HCM với diện tích hơn 17.000 m². Trung tâm này có chức năng tập hợp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP HCM; đầu mối hợp tác về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với các tổ chức, tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Sihub còn hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh… cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc 9 lĩnh vực ưu tiên, gồm: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao… Trung tâm còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: không gian làm việc, không gian số, hỗ trợ trực tuyến…
Giám đốc Sở KH-CN TP HCM Nguyễn Việt Dũng cho hay phần lớn không gian của Sihub sẽ dành cho hoạt động ươm tạo DN khởi nghiệp. Vườn ươm sẽ là nơi TP HCM triển khai các chính sách theo Nghị quyết 20/2023/NQ-HÐND về hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp ở 3 mức: 40 triệu, 80 triệu, 400 triệu đồng. Ngân sách hỗ trợ được chi thông qua vườn ươm nhằm giúp DN khởi nghiệp trả tiền lương và sử dụng dịch vụ khác phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Theo bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ – Sở KH-CN TP HCM, Sihub là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng nền tảng trực tuyến tập trung hệ thống dữ liệu của hệ sinh thái để các DN, start-up đăng ký và tham gia các chính sách hỗ trợ của thành phố. Hệ thống này đã vận hành và sẵn sàng kết nối với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Đây cũng sẽ là nơi triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP HCM khi thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, như: miễn giảm thuế, hỗ trợ không hoàn lại dự án từ 40-400 triệu đồng; thử nghiệm chính sách về sản phẩm, dịch vụ mới; thu hút chuyên gia và nhà khoa học cho các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế…” – lãnh đạo Sở KH-CN TP HCM thông tin.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho hay dựa theo những kinh nghiệm sau chuyến khảo sát các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại Mỹ và Úc, Sihub xác định không phải là sân chơi mà sẽ là cơ sở ươm tạo dự án khởi nghiệp một cách nghiêm túc, bài bản, đặc biệt sẽ có KPI cho từng dự án.
Ngoài ra, Sihub sẽ giúp cộng đồng tiếp cận gần hơn các chính sách hỗ trợ của nhà nước, giúp họ có thể trở thành đối tác của cơ quan quản lý trong hoạt động ươm tạo DN và các hoạt động khác như: giới thiệu sản phẩm, gọi vốn đầu tư, sở hữu trí tuệ…
Còn nhiều việc cần làm
Theo các DN khởi nghiệp, những chính sách, hoạt động khởi nghiệp của TP HCM thời gian qua đã giúp họ cảm thấy “bớt cô đơn” trên con đường phát triển của mình. Tuy nhiên, các mức độ hỗ trợ còn thấp, thủ tục nhận hỗ trợ còn phức tạp ở một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, DN còn đang thiếu chương trình nâng cao năng lực quản lý, vận hành DN… đạt chất lượng cao.
Các chuyên gia nghiên cứu về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhìn nhận Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ sinh thái này đã chững lại. Nhiều start-up rơi vào khó khăn do ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, nguồn vốn tài trợ/đầu tư cho hoạt động start-up giảm đáng kể.
Sở KH-CN TP HCM thừa nhận dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thành phố còn nhiều hạn chế, như: chất lượng hỗ trợ của các chính sách nhà nước chưa cao, năng lực các cơ sở trung gian hỗ trợ DN còn thấp. Một số trường đại học và tổ chức nghiên cứu công lập hoạt động chưa hiệu quả trong việc đóng góp kinh tế, chuyển giao công nghệ, hợp tác với ngành công nghiệp và phát triển các dự án phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Ông Trần Duy Hào, nhà sáng lập StarGlobal 3D, đánh giá Sihub sẽ là mô hình tạo động lực rất lớn cho khởi nghiệp. Song, nhằm tăng hiệu quả hỗ trợ và tạo đột phá, TP HCM cần có những chính sách và tiêu chí, bộ đo lường cụ thể để DN khởi nghiệp đáp ứng nhanh nhất và được hỗ trợ sớm nhất.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế thu hút các chuyên gia tư vấn, quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia các dự án khởi nghiệp để đẩy mạnh quá trình từ dự án đang hình thành sang sản phẩm được thương mại hóa. Ngoài ra, DN khởi nghiệp cũng rất mong được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất thấp để chi trả chi phí cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
“Ở góc độ DN, các start-up không nên trông chờ hết vào các chính sách hỗ trợ của thành phố mà cần phải định hướng rõ ràng để tự kêu gọi vốn đầu tư. Điều đó sẽ giúp DN phát triển bền vững hơn. Kết hợp cùng Sihub và sự quan tâm lớn về khởi nghiệp của thành phố, đây là cú hích rất lớn” – ông Hào nhìn nhận.
ThS Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – ĐHQG TP HCM, góp ý thành phố cần có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp rõ ràng hơn, nhưng kèm theo đó là kết hợp với cơ chế thử nghiệm (sandbox). Nên cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh và giải pháp mới để rút ngắn quá trình thử nghiệm, từ đó điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách theo từng lĩnh vực để mang lại hiệu quả cao và có tính phản ứng.
Ông Quang cho rằng Sihub nên có đơn vị tư vấn về chuyên môn, chiến lược để giảm rủi ro thất bại. Trung tâm cần sớm thu hút được các quỹ đầu tư, hỗ trợ chi phí mặt bằng, hoạt động ban đầu để DN khởi nghiệp có thêm thời gian phát triển dự án.
Theo ông Quang, dự án khởi nghiệp sáng tạo tại TP HCM đang đón nhận nhiều tín hiệu khả quan từ động thái của cơ quan nhà nước. Các đơn vị khởi nghiệp nên tận dụng cơ hội để tìm hiểu thêm những quy định liên quan nhằm phát huy được thế mạnh của mình.
“Từ những chính sách hỗ trợ đến Sihub cùng sự tham gia mạnh mẽ của các vườn ươm và các trường, viện, kỳ vọng việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian sắp tới” – ông Quang bày tỏ.
Triển khai theo 3 giai đoạn
Theo kế hoạch triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP HCM giai đoạn 2021-2025, năm 2024, thành phố đặt mục tiêu nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 900 DN; ươm tạo, phát triển 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Để hiện thực hóa kế hoạch mục tiêu này, từ đầu năm đến nay, TP HCM đã triển khai chính sách hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo theo 3 giai đoạn.
“Với việc tham gia của chính quyền qua một số chính sách mang tính kích cầu cũng như sự tham gia mạnh mẽ của các trường, viện, vườn ươm, DN…, kỳ vọng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 98, thành phố sẽ vượt từ 10% đến 20% các chỉ tiêu đã đề ra” – ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.