Một phụ tá nói với Al Jazeera ngày 5-8 rằng nhà lãnh đạo lâu năm của Bangladesh đã lên trực thăng quân sự sau khi đám đông biểu tình phớt lờ lệnh giới nghiêm toàn quốc để xông vào dinh thủ tướng ở thủ đô Dhaka.
Tình trạng hỗn loạn xảy ra trong bối cảnh khoảng 300 người đã thiệt mạng trong nhiều tuần biểu tình mà chính quyền tìm cách trấn áp.
Biểu tình bạo lực đã khiến gần 100 người (gồm 13 cảnh sát) thiệt mạng chỉ tính riêng đêm 4-8. Căng thẳng tiếp tục gia tăng vào ngày 5-8 khi những người biểu tình kêu gọi tuần hành đến Dhaka.
Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, tâm trạng những người biểu tình trên đường phố ở Bangladesh đã chuyển sang vui mừng, sau khi lan truyền thông tin nữ Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.
Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh Waker-Uz-Zaman đã huỷ bỏ bài phát biểu toàn quốc, dự định diễn ra lúc 14 giờ chiều 5-8 (giờ địa phương).
Thay vào đó, tướng Waker-Uz-Zaman sẽ đàm phán với các đảng phái chính trị lớn, bao gồm cả Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) đối lập.
Hình ảnh trên truyền hình quốc gia Bangladesh cho thấy hàng ngàn người xông vào dinh thự của Thủ tướng Hasina.
Nhà đài cũng phát cảnh đám đông người biểu tình trên đường phố trong cảnh hân hoan khi tin tức về sự ra đi của nữ thủ tướng 76 tuổi bắt đầu lan truyền.
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này ở thủ đô Bangladesh” – phóng viên Al Jazeera đưa tin tại hiện trường hôm 5-8.
“Chính phủ Bangladesh rất có thể đã sụp đổ và quân đội sẽ quyết định bước tiếp theo là gì, có thể sẽ thành lập một chính phủ lâm thời” – phóng viên của Al Jazeera nhận định.
Theo hãng tin Reuters, bất ổn khắp Bangladesh nổ ra sau khi sinh viên tức giận phản đối hạn ngạch việc làm trong chính quyền, trong đó có 30% dành cho gia đình của những người đấu tranh giành độc lập khỏi Pakistan.
Chính quyền của bà Hasina bãi bỏ hệ thống hạn ngạch vào năm 2018, nhưng một tòa án khôi phục lại vào tháng 6. Sau đó, Tòa án Tối cao Bangladesh đình chỉ quyết định và sẽ thụ lý vụ việc trong ngày 21-7, sau khi đồng ý đưa ra phiên điều trần dự kiến vào ngày 7-8.
Các cuộc biểu tình (lớn nhất kể từ khi bà Hasina tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong năm nay) cũng được thúc đẩy bởi tình trạng thất nghiệp cao trong giới trẻ, vốn chiếm gần 1/5 dân số.