• Trang chủ
  • Thời sự
  • Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Chưa thể phê duyệt kế hoạch

Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Chưa thể phê duyệt kế hoạch

Nguồn tin Báo Người Lao Động cho biết hôm nay (20-11) là thời hạn cuối Bộ Công Thương phải trình Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) lên Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Đây sẽ là lần thứ 4 mà Bộ Công Thương trình kế hoạch này.

Ba lần bị “loại”

Thông báo 453/TB-VPCP ngày 3-11-2023 của Văn phòng Chính phủ (thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII) thể hiện Bộ Công Thương đã 3 lần trình kế hoạch lên Thủ tướng (lần trình thứ 3 vào ngày 12-10-2023 tại Tờ trình 7146/TTr-BCT) nhưng đều không đạt. Lý do được nêu rõ là kế hoạch này còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện và khả thi.

Cụ thể, kế hoạch trình lên chưa đủ danh mục dự án, chưa đề xuất được việc xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng; chưa nghiên cứu đưa chương trình phát triển điện nông thôn vào; chưa xác định rõ nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch theo quy định tại điều 45 Luật Quy hoạch. Kế hoạch cũng chưa đề xuất được đầy đủ các chính sách, giải pháp khả thi để thực hiện quy hoạch theo điều 46 Luật Quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá kế hoạch này “chưa thực sự bám sát quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển, luận cứ, tiêu chí, tính “động và mở” trong Quy hoạch Điện VIII về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế đất nước theo hướng xanh, tuần hoàn, cacbon thấp, chuyển dịch năng lượng bền vững”. Bên cạnh đó, việc giao cho các địa phương xác định cụ thể các dự án, nguồn điện năng lượng tái tạo là chưa bảo đảm phù hợp pháp luật về quy hoạch.

“Ngoài ra, theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Công Thương phải rà soát, tổng hợp các dự án ngay từ khi xây dựng và phê duyệt Quy hoạch Điện VIII. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhiều nội dung còn chưa được thống kê đầy đủ, thiếu dữ liệu thông tin” – thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đáng chú ý, trong Quy hoạch Điện VIII cũng như 3 lần trình Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 đều được Bộ Công Thương đưa vào. Trong khi đó, nhiều thông tin về dự án này như diện tích chiếm đất, chiếm rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, tác động môi trường, ảnh hưởng đến di tích quốc gia đặc biệt của Vườn Quốc gia Cát Tiên… đều mập mờ, không rõ ràng.

Bất an với 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp: Chưa thể phê duyệt kế hoạch - Ảnh 1.

Khu vực đề xuất làm thủy điện Đắk R’lấp 1 nằm trong rừng phòng hộ Nam Cát Tiên Ảnh: HOÀNG HẢI

Cần bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh

Theo Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương phải hoàn thành việc trình kế hoạch thực hiện quy hoạch này vào tháng 6-2023. Thế nhưng, đến nay, công đoạn này đã chậm trễ đến 5 tháng, dù đã qua 3 lần trình.

Tại văn bản nêu trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất ngày 20-11 và phải bảo đảm chịu trách nhiệm.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các địa phương cả nước để hoàn thành kế hoạch; cụ thể hóa danh mục các dự án, bao gồm danh mục các dự án nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện sản xuất từ chất thải rắn…) sẽ triển khai trong thời kỳ quy hoạch, nhất là trong giai đoạn đến năm 2025.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát mục tiêu phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo tại 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trong thời kỳ mà Quy hoạch Điện VIII đề ra. Phó Thủ tướng lưu ý để thực hiện nội dung này, phải công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu quả, bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh; đồng thời nghiên cứu, đề xuất cụ thể về các cơ chế chính sách khả thi nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Rõ ràng, trong các yêu cầu của Phó Thủ tướng tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, yêu cầu về bảo vệ môi trường và chuyển đổi xanh luôn được chú trọng. Điều đó nhất quán với Quyết định 1743/QĐ-TTg ngày 3-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc lập quy hoạch phải “đánh giá về tác động môi trường, lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho quy hoạch tổng thể về năng lượng với các định hướng bố trí sử dụng đất và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia”.

Với quan điểm, chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì việc 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 có nguy cơ xóa sổ hàng trăm hecta rừng vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng cảnh quan, hệ sinh thái Vườn Quốc gia Cát Tiên, nguy cơ xâm hại đến di tích quốc gia đặc biệt Vườn Quốc gia Cát Tiên nhưng Bộ Công Thương vẫn cứ đưa vào Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII thì liệu có phù hợp? 

“Nói thật là có sự tác động”

Từ đề nghị của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông, ngày 5-3-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kết luận về việc thống nhất không bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3. Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Bộ Công Thương về việc đề nghị bổ sung quy hoạch 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3 vào Quy hoạch Điện VIII. Ngày 26-4-2022, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông có văn bản, trong đó nêu Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến và đi đến thống nhất với đề xuất này của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.

Lý giải về sự bất nhất này, một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết ngay từ đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy không chấp nhận đưa vào quy hoạch 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2, 3. Lý do là có tác động lớn đến môi trường và đây là khu vực đầu nguồn. “Tuy nhiên, sau đó nói thật là có sự tác động” – vị này thừa nhận.