Báo động mới về nước biển dâng

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vừa lên tiếng cảnh báo “thảm họa toàn cầu” đang đe dọa các quốc đảo Thái Bình Dương và thế giới phải ứng phó với những tác động tàn khốc chưa từng có từ mực nước biển dâng trước khi quá muộn.

Tại diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra ở thủ đô Nukuʻalofa – Tonga hôm 27-8, ông Guterres thúc giục thế giới tăng cường tài trợ và hỗ trợ mạnh mẽ cho các quốc gia dễ bị tổn thương đang đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng từ khủng hoảng khí hậu. 

Theo đài CNN, ông Guterres nhận định nước biển dâng là cuộc khủng hoảng hoàn toàn do con người gây ra và sẽ sớm mở rộng đến quy mô gần như không thể tưởng tượng được.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lưu ý các quốc đảo Thái Bình Dương hiện chỉ chiếm 0,02% tổng lượng phát thải toàn cầu nhưng lại “đặc biệt dễ bị tổn thương”. 

Theo ông, đây là khu vực có độ cao trung bình chỉ 1 – 2 m trên mực nước biển, nơi khoảng 90% dân số sống trong phạm vi 5 km tính từ bờ biển và là nơi có một nửa cơ sở hạ tầng nằm cách biển khoảng 500 m trở lại. 

“Thế giới phải hướng về Thái Bình Dương và lắng nghe khoa học… Nếu cứu được Thái Bình Dương, chúng ta cũng sẽ cứu chính mình” – ông Guterres nhấn mạnh.

Một cộng đồng sinh sống ở làng Serua - Fiji, một quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương. Ảnh: REUTERS

Một cộng đồng sinh sống ở làng Serua – Fiji, một quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương. Ảnh: REUTERS

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), các quốc đảo Thái Bình Dương đang chịu tác động nặng nề hơn so với hầu hết nơi khác khi phải gánh cùng lúc hiện tượng nóng lên của đại dương, mực nước biển dâng và axít hóa, gây hại cho hệ sinh thái, phá hoại mùa màng, làm ô nhiễm nguồn nước ngọt và phá hủy sinh kế của người dân.

WMO cho biết khu vực này ghi nhận 34 thiên tai, chủ yếu liên quan bão lũ, trong năm 2023, khiến hơn 200 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến 25 triệu người.

Ngoài hiểm họa từ nước biển dâng, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước cũng là nỗi lo lớn khác. Theo đài CNBC, một số ngành công nghiệp thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm, đồ uống, dệt may, khai khoáng, năng lượng tái tạo và điện đều sử dụng nhiều nước.

Trong bối cảnh đó, cộng với tình trạng hạn hán đang gia tăng, ngày càng có nhiều công ty ra đời nhằm xử lý và tái chế nước với chi phí thấp nhất có thể. Theo Công ty Statista (Đức), thị trường xử lý nước và nước thải toàn cầu dự kiến đạt 500 tỉ USD vào cuối thập kỷ này.

Phần lớn phương pháp hiện sử dụng hóa chất mạnh và tốn nhiều năng lượng nhưng một số công ty như Xylem, Veolia, Gradiant (đều của Mỹ) đang cố gắng giảm cả chi phí và năng lượng trong khi loại bỏ việc sử dụng hóa chất. 

Ông Prakash Govindan, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ của Gradiant, cho biết công nghệ của công ty này có thể tái sử dụng đến 99% lượng nước, nhiều hơn mức 50%-60% mà các công nghệ khác mang lại.

Theo đài CNBC, công nghệ của Gradiant bắt chước cách thiên nhiên tạo ra mưa. Nước thải được làm nóng và bơm vào một thiết bị tạo độ ẩm rồi được trộn với không khí xung quanh. Khi tương tác, chúng được đun nóng thành hơi nước, loại ra các chất ô nhiễm. 

Sử dụng công nghệ độc quyền, hơi nước được chuyển đến một cột chứa nước sạch lạnh. Khi cả hai trộn lẫn, không khí được làm mát và tạo ra nước sạch, giống như mưa rơi từ mây.

Theo Gradiant, tiến trình trên giúp giảm chi phí truyền thống xuống một nửa. Công ty này tuyên bố tiết kiệm được 1,7 tỉ gallon (khoảng 6,43 tỉ lít) nước/ngày, tương đương lượng nước tiêu thụ của 48 triệu người. 

Hai báo cáo gây lo lắng

Hai báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm 27-8 cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang thúc đẩy những thay đổi thảm khốc đối với đại dương.

Báo cáo đầu tiên đến từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), theo đó, nhiệt độ bề mặt biển ở Tây Nam Thái Bình Dương đã tăng gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu kể từ năm 1980. Ngoài ra, mực nước biển tại khu vực này đã tăng gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong 30 năm qua.

Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho rằng Thái Bình Dương đang trải qua những thay đổi “không thể đảo ngược trong nhiều thế kỷ tới”. Theo bà Saulo, các hoạt động của con người đang khiến đại dương này trở thành mối đe dọa ngày càng tăng thông qua nước biển dâng.

Trong báo báo khác, nhóm hành động khí hậu của Liên Hiệp Quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng khí hậu và mực nước biển dâng không còn là những mối đe dọa xa vời, đặc biệt là đối với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Trong kịch bản thế giới nóng thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các quốc đảo Thái Bình Dương có thể chứng kiến nước biển dâng thêm ít nhất 15 cm vào năm 2050 và hơn 30 ngày lũ lụt ven biển mỗi năm.

Theo đài CNN, cả hai báo cáo trên đều kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cải thiện hệ thống cảnh báo sớm cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, tăng cường đáng kể nguồn tài chính cho khả năng chống chịu và thích ứng, cắt giảm khí thải mạnh mẽ, nhanh chóng và ngay lập tức để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hoàng Phương