Sự kiện kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật: múa ứng tác, trình chiếu MV, hội họa, đọc thơ…
Vài “A” Lần là cách chơi chữ từ phát âm chữ Violent (bạo lực) và cũng là tiếng hét “A” thất thanh, thể hiện nỗi đau từ sự ngược đãi.
Giải phóng cảm xúc
Đây là dự án phi lợi nhuận do nghệ sĩ La Zung (36 tuổi) khởi xướng với sự góp sức của hơn 20 nghệ sĩ và chuyên gia sáng tạo.
Theo anh, khái niệm bạo lực gia đình trước đây từng được hiểu rất hạn hẹp, chỉ gói gọn trong tổn thương thể chất và lời nói. Giờ đây, bạo lực gia đình có thể mang “dáng dấp” tinh tế hơn, ẩn mình dưới những áp lực vô hình: sự áp đặt, kỳ vọng việc nối dõi, sự phó mặc hay thiếu công nhận từ chính người thân. “Cơ duyên này không ngẫu nhiên, nó đến từ những gì tôi đã chịu đựng thời gian dài mà bản thân không nhận ra” – La Zung bày tỏ.
Diễm Quỳnh (19 tuổi, ngụ TP HCM) quẩn quanh rất lâu trước tác phẩm “Cơm bữa” rồi quyết định cầm bút, chấm mực, viết hai chữ “bình thường” giữa mâm cơm ngổn ngang bát đũa. Cô còn tham gia phiên kịch tham vấn để hiểu rõ bản thân, học cách lắng nghe và quan sát cách mọi người giải quyết vấn đề. Dòng cảm xúc tắc nghẽn bấy lâu trong cô như tuôn trào. Quỳnh kể: “Tôi muốn đối diện với cuộc sống trong trạng thái điềm đạm trong mọi hoàn cảnh thay vì núp sau vỏ bọc hoàn hảo, an toàn của bản thân”. Cô nhận ra rằng bạo lực gia đình không chỉ dừng ở thể chất mà đã chuyển sang tinh thần và có sự khác biệt ở mỗi thế hệ. Người trẻ có nhiều nhu cầu về tâm lý, họ chính là đối tượng nên tìm hiểu chủ đề này để biết cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn. “Nghệ thuật cũng là cách khơi gợi đối thoại, truyền tải tư tưởng một cách thẳng thắn, hiệu quả. Càng hiểu nhau càng giao tiếp tốt hơn” – Quỳnh nhấn mạnh.
Tìm lời giải cho sự bế tắc
Công chúng đi từ tò mò, ngạc nhiên đến vỡ òa trước thông điệp được chuyển tải qua màn trình diễn “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bằng ngôn ngữ múa ứng tác, tác phẩm tái hiện mối quan hệ độc hại giữa những người thân. Khán giả được mời dán lên nghệ sĩ các vật dụng quen thuộc trong nhà như: viên kẹo, mảnh xếp hình đến chổi lông gà… Từng món đồ tưởng chừng vô tri lại là công cụ quen thuộc của các hành vi gây tổn thương.
Sự đối lập giữa hai đứa trẻ trong tiết mục đại diện cho hai hoàn cảnh khác nhau. Khi chúng giao thoa, xung đột nội tâm bùng nổ, nhưng qua hành trình thấu hiểu và đồng cảm thì cả hai đạt được sự bình yên. Đình Uy (24 tuổi) góp mặt trong màn múa. Anh còn là nghệ sĩ piano, thành viên nhóm biểu diễn và sản xuất MV “Lầm lỗi không màu” của La Zung. Uy bộc bạch: “Dù lớn lên trong sự êm ấm nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau của ai đó khi nếm trải bạo lực gia đình”. Cách tương tác của khán giả nhẹ nhàng hay mạnh mẽ ít nhiều phản chiếu trạng thái cảm xúc và nhận thức của mỗi người về vấn đề bạo lực.
Triển lãm giúp khán giả hiểu rõ hơn về khái niệm bạo lực gia đình từ nhiều góc độ, xuất phát từ việc phải chịu tác động hoặc từng chứng kiến vấn nạn. Điểm chạm cảm xúc giữa nghệ sĩ và người xem mở ra không gian chiêm nghiệm sâu sắc. Những vị khách không đơn thuần tận hưởng niềm vui từ nghệ thuật hay tìm nguồn cảm hứng, mà thật sự đi tìm lời giải cho bế tắc của chính họ, đồng thời thấu hiểu và cảm thông hơn với người bị đe dọa.
Hiệu ứng tích cực lần này có thể xem là tiền đề cho những hoạt động tương tự trong tương lai, thúc đẩy bạn trẻ xây dựng nền tảng nhận thức đúng đắn nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình và nuôi dưỡng tình yêu thương.
Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (xuất bản 10-2024) cho thấy có đến 88,3% trẻ em từng bị mắng, chửi trong gia đình; 54,4% trẻ bị đánh, vụt; 54% bị kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội (kết bạn, tình yêu) và 45% trẻ em cảm thấy mình bị phân biệt đối xử.
Tại Vài “A” Lần, toàn bộ số tiền từ các vật phẩm, tác phẩm đấu giá được gửi vào quỹ “Lan tỏa yêu thương” của doanh nghiệp xã hội MSD United Way Vietnam. Quỹ chuyên thực hiện dự án phòng chống bạo lực, thể chất và tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em. Thông qua quỹ, trẻ em được bảo đảm các quyền lợi cơ bản như khai sinh, đến trường và sống khỏe mạnh. Mặt khác, quỹ còn hướng tới cải thiện chất lượng sống cho những cộng đồng yếu thế, dễ bị tổn thương (phụ nữ, người khuyết tật, người vô gia cư…).