Bám bản xa, gieo con chữ

Làng Đèo Ải (thuộc thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) nằm tách biệt giữa núi rừng. Nơi đây, cuộc sống của người dân chủ yếu tự cung, tự cấp, việc đi lại, học hành của các em học sinh càng khó hơn.

Gian nan đến trường

Một ngày giữa tháng 11, nghe tin có một cô giáo người đồng bào H’re không quản khó khăn, vẫn xung phong tình nguyện băng rừng, lội suối đến với học sinh ở điểm trường xa nhất xã Ba Trang, chúng tôi đi ngay. Khi vừa đến trung tâm xã Ba Trang, mưa trút nước xuống núi rừng.

Bám bản xa, gieo con chữ - Ảnh 1.
Bám bản xa, gieo con chữ - Ảnh 2.

Cô giáo Phạm Thị Thơm cùng học trò ở điểm trường Đèo Ải

Tiếp chúng tôi, thầy Nguyễn Minh Hải – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Ba Trang – nói: “Thôi. Các anh chị về đi chứ trời mưa lớn như thế này, không thể vào điểm trường Đèo Ải, nơi cô Phạm Thị Thơm đang giảng dạy được đâu”.

Theo thầy Hải, từ trung tâm xã Ba Trang vào điểm trường Đèo Ải phải vượt qua khoảng 17 km đường rừng, có nhiều con suối, đèo dốc, trơn trượt.

“Mà tui nói thiệt, trời nắng các anh chị nhà báo chưa chắc đã đi được, huống hồ mưa thế này. Nếu các anh chị mà đi sẽ không bao giờ tới nơi. Người đồng bào H’re bản địa, họ đi bộ đã mất gần nửa ngày rồi” – thầy Hải nói.

Nghe thầy Hải nói vậy, cả đoàn chúng tôi ai cũng chưng hửng, nghĩ sẽ không thể tiếp cận được điểm trường Đèo Ải. Một lúc sau, có giáo viên từng công tác ở điểm trường Đèo Ải “bật mí”, nói có một đường khác có thể đến với điểm trường Đèo Ải nhưng phải đi xa hơn rất nhiều lần.

Đường đó phải đi vòng trở lại Quốc lộ 1, vòng ra thị xã Đức Phổ, rẽ hướng Tây để đi lên hồ Liệt Sơn, rồi đi đò trong lòng hồ, đi bộ thêm 2-3 km nữa thì tới được điểm trường Đèo Ải.

Bám bản xa, gieo con chữ - Ảnh 3.

Tan học, cô giáo Phạm Thị Thơm ở điểm trường Đèo Ải đưa các em lội suối về nhà

“Nhưng tôi nói trước, đi đường đó cũng nguy hiểm lắm. Lòng hồ sâu 30-40 m, ghe đánh cá thì nhỏ, lại đi trên lòng hồ rộng lớn. Mưa gió thế này, dễ có bất trắc lắm” – thầy giáo này nói.

Lúc đầu, nghe thầy giáo nói vậy, ai trong đoàn chúng tôi cũng thoáng chút sợ hãi, nhưng rồi vẫn quyết tâm đi cho được.

Khi đến hồ Liệt Sơn, thầy Nguyễn Minh Hải và 2 người dẫn đường chạy đi mượn được chiếc ghe đánh cá của người dân đang neo ở lòng hồ. Thấy chiếc ghe quá nhỏ, tròng trành nên chỉ có 4 người trong đoàn chúng tôi bước xuống, 3 người nữa phải ở lại vì không có chỗ ngồi. Chiếc ghe dần ra giữa lòng hồ, hướng về phía thượng nguồn, nơi có trận mưa lớn đang ập tới.

Sau hơn 30 phút đi ghe trong lòng hồ, dưới sự chỉ dẫn của người dẫn đường, thầy giáo Nguyễn Minh Hải cho chiếc ghe chạy sâu vào một con lạch. Màu nước đỏ quạch từ thượng nguồn con suối đổ về.

Khi xuống ghe, chúng tôi tiếp tục đi bộ hơn 2 km, vượt qua nhiều đoạn suối sâu, đường mòn trơn trượt, cuối cùng thì làng Đèo Ải cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, giữa lưng chừng quả đồi. Từng cột khói từ những căn nhà sàn bốc lên giữa màu trời ửng nắng, xung quanh là màu xanh của núi rừng đẹp như bức tranh vẽ.

Bám bản xa, gieo con chữ - Ảnh 4.

Hành trình của cô giáo Phạm Thị Thơm đến điểm trường Đèo Ải

Đứng từ xa, chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng trẻ thơ tập đọc như tiếng chim hót giữa núi rừng.

Có khách lạ, mang theo những vật dụng lỉnh kỉnh, cả nhóm học sinh im bặt, ngơ ngác nhìn cô giáo, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thấy thầy hiệu trưởng, cô giáo Phạm Thị Thơm – người phụ trách giảng dạy ở điểm trường Đèo Ải – trấn an học sinh: “Hôm nay có các thầy cô đến thăm. Các con chào thầy cô giáo đi nào”.

Từng ánh mắt nhìn nhau, rồi các em chậm rãi đáp từng tiếng: “Chúng cháu chào thầy, cô giáo ạ”.

Khao khát trở thành giáo viên

Theo lời cô Thơm, vì gia đình các em học sinh ở đây rất khó khăn, không có điện nên cũng không có cơ hội tiếp xúc với tivi, điện thoại, lại ít được giao tiếp với người ngoài làng nên các em khá nhút nhát và cũng chậm nói tiếng Việt hơn các nơi khác. Toàn điểm trường có 9 học sinh, đều là con em người đồng bào H’re. Trong đó có 7 học sinh lớp 1 và 2 học sinh lớp 2. Từ lớp 3, các em phải ra ở điểm trường chính để học bán trú.

“Các em không được học mầm non nên lúc vào lớp 1 mình phải cầm tay chỉ cách viết cho từng em, chỉ các em cách làm quen với con chữ, dạy các em nền nếp, tác phong khi đến trường. Khi chỉ cho các em lớp 1 học xong thì mình quay sang chỉ cách đọc cho các em lớp 2, chỉ cách làm toán… Nhiều lúc cha mẹ các em đi rẫy xa, không kịp về, mình lo cho các em ăn, ngủ như con mình ở nhà. Riết rồi cũng thành thói quen” – cô Thơm kể.

Cũng là người đồng bào H’re, trải qua bao khổ cực thời niên thiếu, tâm tư lớn nhất của cô Thơm là làm sao để những đứa trẻ H’re khi sinh ra đều được đến trường, biết đọc, biết viết để có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo khó. Bởi vậy, lúc vừa học xong cấp 3, cô Thơm tiếp tục đi học với khao khát trở thành giáo viên, mang con chữ về với bản làng.

“Mình đã đi dạy 26 năm. Năm nào cũng xung phong đến điểm trường lẻ ở các bản, làng xa nhất. Đến giờ, mình đã dạy ở tất cả 6 điểm trường lẻ trong địa bàn xã Ba Trang. Riêng điểm trường Đèo Ải, mình đã dạy được 2 năm. Dạy ở điểm trường lẻ thì vất vả nhiều, đặc biệt là việc đi lại. Đầu tuần, mình phải đi sớm, mang theo ít gạo, muối đến trường. Khi không đứng lớp thì tự đi hái rau rừng, giăng lưới bắt cá, bắt ếch cải thiện bữa ăn; cũng có lúc được phụ huynh tặng rau rừng, ốc đá… Đến cuối tuần lại về nhà. Nhiều lúc mưa gió, các ngả đường đến Đèo Ải bị nước bao phủ, phải chấp nhận ở lại vài tuần mới về một lần” – cô Thơm kể.

“Đi xa vậy, cô có muốn về gần nhà không?”. Nghe chúng tôi hỏi, cô Thơm đáp ngay: “Có chứ”. Nhưng theo cô, nếu mình gần nhà, các giáo viên khác cũng mong muốn vậy thì ai sẽ ở điểm trường lẻ. Giáo viên cắm bản nhiều lúc nhớ gia đình, muốn được về gần nhà chăm sóc các con, nhưng tất cả phải gác lại nỗi niềm mong muốn ấy, phải chấp nhận thực tế. Nhiều lúc nhớ gia đình, nhớ con cháu cũng đành chịu.

“Như ở đây, vì không có điện nên lúc rảnh rỗi, nhớ người thân, chỉ biết lục hình con, cháu ra xem. Trong dân cũng không ai có điện thoại, tivi. Vào đây rồi là coi như đứt hết liên lạc. Khi muốn gọi điện thoại, phải chạy tít lên ngọn núi ở bên kia để hứng sóng, mà sóng cũng chập chờn lúc có lúc không.

Anh Phạm Văn Huê ở làng Đèo Ải cho biết trước kia khi chưa có điểm trường này, dân ở đây vô cùng vất vả khi phải đưa con ra điểm trường chính.

“Con đi học là cha mẹ cũng bỏ việc đi theo. Nhiều gia đình không đưa con đi học được nên các em nghỉ học. Bây giờ thì mừng rồi, nhờ cô giáo Thơm và các thầy cô nhiệt tình nên bọn trẻ ở Đèo Ải mới biết đến cái chữ, biết phép tính” – anh Huê phấn khởi.

Cả làng Đèo Ải hiện có 29 hộ là người đồng bào H’re nhưng đều là hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều gia đình có 2-3 đứa con nhưng vì cuộc sống khó khăn, đi lại vất vả nên phần lớn các em học hết lớp 9 là nghỉ.

“Tôi có 2 đứa con, đứa nhỏ lớp 3, đứa lớn lớp 8 đang theo học tại điểm trường chính ở trung tâm xã. Cứ sáng đầu tuần tui chở tụi nhỏ ra, cuối tuần ra đón về. Vì đường sá đi lại khó khăn quá nên vợ chồng tui cũng ráng cho nó học hết lớp 9 rồi nghỉ. Chỉ mong được Nhà nước quan tâm cho điện thắp sáng và làm đường đi sạch sẽ, an toàn cho bà con” – anh Huê trầm tư.

Thầy Nguyễn Minh Hải cho biết trường có 442 học sinh, trong đó có 133 học sinh ở nội trú vì nhà xa, điều kiện đi lại khó khăn. Ngoài điểm chính tại trung tâm xã, trường có 6 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn. Đây phần lớn là những nơi điều kiện sống còn rất khó khăn, giao thông cách trở.

“Điểm chung nhất ở các điểm trường lẻ là việc đi lại rất khó khăn, khó nhất là điểm trường Đèo Ải. Mang được con chữ đến những vùng sâu, vùng xa rất vất vả, đòi hỏi giáo viên phải hy sinh, chịu khó, chịu khổ rất nhiều. Nếu giáo viên không yêu nghề, mến trẻ thì chắc chắn sẽ không thể nào gắn bó ở những vùng khó khăn này. Cô Thơm là người đồng bào, hiểu biết về tiếng nói, phong tục tập quán và nhiệt tình với nghề, đã góp sức đưa con chữ về với Đèo Ải. Không phải ai cũng chịu được vất vả, điều kiện sống khó khăn như cô Thơm, vì cũng đã có người vừa về được vài hôm, không chịu nổi cảnh đường xa vất vả mà bỏ cuộc” – thầy Hải chia sẻ.